Theo ông Nguyễn Trường Thắng – Viện trưởng Viện CNTT thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là đòn bẩy quan trọng để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, phải có nguồn nhân lực phù hợp cùng kỹ năng số và môi trường thuận lợi làm chất xúc tác cho đổi mới sáng tạo. Chính phủ cần có tầm nhìn xa về công nghệ và phải hình thành bằng được hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng sự lựa chọn phù hợp cho mình về ngành công nghiệp bán dẫn.
Đề cập về bẫy thu nhập trung bình và chính sách công nghệ ở các nước Đông Nam Á, ông Jonathan Pincus – chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP nói rằng rất ít quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Và các nước thành công đều bắt đầu từ đầu tư nước ngoài cùng công nghệ được cấp phép nhưng họ đã đầu tư mạnh cho các trường đại học và viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, nhân lực cho công nghiệp bán dẫn trong nước không dễ gì đáp ứng được nhu cầu thực tế vì phải giỏi cả lý thuyết và thực hành. Để cải thiện tình hình, rất cần sự hợp tác của các chuyên gia người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực này.
Ông John Rockhold – Trưởng ban điều hành nhóm công tác điện và năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh phải có nguồn điện ổn định và liên tục 24/7 cho các nhà đầu tư về công nghiệp bán dẫn. Đây là vấn đề an ninh năng lượng vì nếu nguồn điện không ổn định thì các nhà đầu tư sẽ thiệt hại rất lớn.
Riêng về nguồn tài nguyên đất hiếm với trữ lượng thứ nhì thế giới đang là sức hấp dẫn của Việt Nam cho công nghiệp bán dẫn, ông John Rockhold đặt vấn đề là cũng phải thu hút được các nhà đầu tư với những công nghệ khai thác và chế biến tiên tiến nhất. Cùng với việc đó, Việt Nam cũng phải có được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường cho việc khai thác, chế biến đất hiếm.
Còn theo ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, trong cuộc chơi lần này về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần tránh sa lầy và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Quan trọng là phải có được mạng lưới chuyên gia tư vấn với chất lượng tốt nhất và nên tranh thủ tối đa nguồn lực của người Việt ở nước ngoài trong lĩnh vực này. Đội ngũ này cần chia sẻ cho những người trong cuộc không chỉ về thành công mà là cả những thất bại mà họ đã gặp phải.
Ông Phạm Hồng Quất cũng đề cập là khoảng cách đến năm 2050 như mục tiêu đề ra không phải là một khoảng thời gian quá dài. Vì thế, việc cần làm là sớm hình thành được một hệ sinh thái bền vững cho nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam 2023 do Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức ngày 6/12/2023 tại Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam đang có những cơ hội lớn để đón nhận đầu tư nước ngoài về công nghiệp bán dẫn.