Nên thực hiện các dự án chiến lược theo cách nào?

Khi Chính phủ hoặc DNNN đề xuất thực hiện đầu tư một dự án quy mô lớn nào đó, các yếu tố liên quan đến “chiến lược quốc gia”, “an ninh kinh tế” hay “tác động xã hội” thường được đưa vào. Mục đích là để được ngân sách nhà nước cấp vốn hay để được hưởng các ưu đãi. 
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Trường hợp của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRC) gần đây là một ví dụ.

BRC hiện đang chuẩn bị triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tổng kinh phí đầu tư 1,8 tỉ đô la Mỹ. Thật khó cho lãnh đạo của BRC khi nói về lợi ích kinh tế của dự án nâng cấp, mở rộng này bởi vì, theo báo cáo của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nếu thời gian qua Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không được hưởng ưu đãi đặc biệt (được giữ lại 3-7% giá trị thuế nhập khẩu, tùy sản phẩm) thì số lỗ từ năm 2010-2014 không chỉ là 1.000 tỉ đồng mà đã lên đến 27.600 tỉ đồng. Hiện BRC đang xin ưu đãi thêm nữa (xin giảm thuế nhập khẩu). Đó là lý do BRC phải viện đến các yếu tố như đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, hóa chất... để thuyết phục Nhà nước đầu tư cho dự án nâng cấp, mở rộng này.

Tổn thất kinh tế của các dự án chiến lược

Việt Nam đã có rất nhiều các dự án mang tầm chiến lược quốc gia hay vì mục đích an ninh kinh tế như các đường Hồ Chí Minh, bauxite Tây Nguyên, dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất... Tuy nhiên, đa phần đều bị đặt dấu hỏi lớn về hiệu quả kinh tế.

Đường Hồ Chí Minh đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng có rất ít phương tiện đi lại. Dự án bauxite Tây Nguyên được đầu tư khoảng 30.000 tỉ đồng nhưng khi hoạt động thì thua lỗ (theo kế hoạch thì hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ thua lỗ hàng trăm tỉ đồng trong vòng 4-5 năm đầu; tuy nhiên với việc giá nhôm tiếp tục suy giảm mạnh do kinh tế Trung Quốc suy yếu thì số năm thua lỗ không biết đến bao giờ). Dự án phát triển ngành công nghiệp ô tô với rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nhưng kết quả thu được cho tới bây giờ gần như là con số 0. Và câu chuyện về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì như chúng ta đã biết ở trên.

Để bảo vệ tính hiệu quả của các dự án này, các cơ quan lập dự án thường đưa ra các lợi ích khác cho xã hội như đóng góp vào ngân sách, tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở địa phương... Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng bất kỳ dự án nào, dù của Nhà nước hay của tư nhân, không ít thì nhiều đều tạo ra các lợi ích trên.

Để biết dự án nào có hiệu quả thì chúng ta cần nhìn nhận chi phí cho các dự án công trên cơ sở so sánh với các dự án công khác đã bị hy sinh vì chúng ta quyết định đầu tư vào các dự án này. Nếu không đầu tư vào các dự án kể trên thì có thể mang số tiền đó đầu tư mở rộng quốc lộ 1, xây nhiều cây cầu ở đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng kho dự trữ xăng dầu... Đó là những thứ có thể có nhu cầu cao hơn, chi phí đầu tư thấp hơn, và vì thế hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế lớn hơn rất nhiều lần. Các dự án bị hy sinh đó, nếu được xây dựng, cũng chắc chắn có nhiều đóng góp về ngân sách, việc làm, và phát triển kinh tế địa phương không kém gì các dự án chiến lược kia.

Cách tốt nhất để đảm bảo an ninh kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn diện là xây dựng các quan hệ thương mại tin cậy với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có tuân thủ luật chơi chung của nền thương mại tự do toàn cầu hay không.

Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ đầu tư vào các dự án chiến lược. Có thể khoảng 10-15 năm nữa, khi nhu cầu của nền kinh tế và các điều kiện về công nghệ trở nên phù hợp hơn, việc đầu tư vào các dự án đó sẽ mang lại hiệu quả hơn. Nhưng ngay cả khi đấy là một dự án cần thiết thì việc Nhà nước có nhất thiết phải bỏ vốn đầu tư hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Cần nhìn lại cách thức thực hiện các dự án chiến lược

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu, đã đến lúc Nhà nước giảm thiểu tối đa việc dùng vốn ngân sách để ưu tiên phát triển ngành này thay vì ngành khác, ưu tiên phát triển dự án này thay vì dự án khác, dù đó là vì lý do chiến lược hay an ninh kinh tế.

Với quy mô thương mại lên tới 150% GDP, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các thị trường bên ngoài. Các hàng hóa có tính thương mại đều có thể bị thay thế bởi hàng nhập khẩu. Ngay cả các loại hàng hóa không có tính thương mại quốc tế (như đường sá) thì chủ đầu tư (người nắm quyền quyết định về mức phí) cũng không nhất thiết phải là người Việt Nam.

Do vậy, việc xác định một ngành nào đó có tính chiến lược hay nhất thiết trong nước phải có vì lý do an ninh kinh tế là một điều khá mơ hồ.

Nếu ai đó nói xăng dầu là yếu tố sản xuất quan trọng và do vậy cần phải xây dựng nhiều nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng thì đó là một cách nhìn hết sức phiến diện. Để sản xuất xăng dầu trong nước chắc chắn Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiều dầu thô từ nước ngoài. Nếu đi đến cùng lý lẽ an ninh năng lượng thì người đó chắc sẽ phải đòi hỏi Việt Nam phải tự khai thác và cung ứng đủ dầu thô cho các nhà máy lọc dầu đó. Nếu không như vậy thì nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn có thể đứt doạn vì một lý do gì đó khiến cho nguồn cung dầu thô bị đứt đoạn.

Cách tốt nhất để đảm bảo an ninh kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn diện là xây dựng các quan hệ thương mại tin cậy với nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu nguồn cung nào bị đứt đoạn thì chúng ta có thể nhanh chóng tìm nguồn cung khác. Điều này phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có tuân thủ luật chơi chung của nền thương mại tự do toàn cầu hay không. Nếu có, chúng ta tự khắc sẽ có an ninh.

Với các dự án mà Nhà nước cho là quan trọng cần phải có, Nhà nước chỉ nên dừng lại ở khâu quy hoạch và đưa ra chủ trương đầu tư thay vì trực tiếp làm. Với chủ trương đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc thời điểm thích hợp để đầu tư và tự huy động vốn đầu tư để triển khai dự án.

Đây không phải là điều gì mới mẻ với Việt Nam. Trong những năm qua chúng ta đã được chứng kiến việc Quốc hội bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam do Chính phủ trình vào năm 2010. Gần đây, dự án sân bay Long Thành, mặc dù đã được Quốc hội chấp nhận chủ trương xây dựng, nhưng vẫn chưa thông qua mô hình đầu tư cụ thể nào.

Quay trở lại trường hợp dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nhà nước hoàn toàn có thể áp dụng kinh nghiệm của dự án sân bay Long Thành cho trường hợp này. Nhà nước chỉ nên dừng lại ở khâu quy hoạch những nơi nào nên đặt nhà máy lọc dầu. Tự các doanh nghiệp sẽ quyết định thời điểm nào cần đầu tư, với quy mô như thế nào, và huy động vốn ra sao. Nếu như BRC thấy rằng việc mở rộng nhà máy sẽ giúp tăng hiệu quả theo quy mô thì hãy tự thu xếp vốn đầu tư thay vì trông chờ vào Nhà nước.

Theo TBKTSG