Nên công khai tài sản của cán bộ được giới thiệu vào Trung ương?

Nhân dân phải được giám sát việc kê khai tài sản để sau đó giám sát, phát hiện tài sản phát sinh sau này của cán bộ có hợp pháp hay không hợp pháp.
Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 13, khóa XI vào ngày 14/12/2015 (Ảnh: Vũ Duy)

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng là vấn đề đang được đông đảo đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây là một nội dung quan trọng trong chương trình làm việc của Hội nghị Trung ương lần thứ 11, 12 vừa qua và Hội nghị Trung ương lần thứ 13 đang diễn ra tại Hà Nội.

Có thể thấy, công tác chuẩn bị nhân sự khóa 12 được triển khai hết sức chặt chẽ, cẩn trọng và nghiêm túc. Tại hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần đặc biệt nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm",...”

Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã đưa ra tiêu chuẩn cụ thể với Ủy viên Trung ương khóa 12 và nêu rõ: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…”.

Như vậy, việc kiểm soát tài sản, kê khai tài sản đối với người được giới thiệu, đề cử vào Trung ương là vấn đề hết sức hệ trọng.

Qua theo dõi đại hội đảng ở các cấp vừa qua, theo ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc nhận định, đánh giá cán bộ có vẻ tươi sáng quá, “hồng” quá.

“Có lẽ, chúng ta phải cân nhắc đánh giá đó sát thực hơn, đánh giá tinh thần nghị quyết Trung ương 4 mới đúng. Và tới đây Đại hội Đảng toàn quốc cũng vậy, theo tôi, phải lấy tinh thần đó đánh giá cho đúng. Đồng thời, phải công khai, minh bạch xem mỗi ứng cử viên có tham ô, tham nhũng hay không? Vấn đề tài sản phải được kê khai, giám định như thế nào? Hiện nay, việc kê khai tài sản còn rất hình thức nên dư luận có băn khoăn với vị này, vị khác, với ứng cử viên này, ứng cử viên khác. Nếu làm rõ điều này, đây là vấn đề rất quan trọng”, ông Vũ Mão nêu quan điểm.

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng: Một Ủy viên Trung ương Đảng trở lên hay người nào muốn tham gia vào đội ngũ lãnh đạo phải có những tiêu chuẩn như đã nêu và bây giờ phải đối chiếu vào đó. Nếu chọn nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương thì đích thân Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Trung ương phải đứng ra. Tất nhiên, Trung ương còn có các ban tham mưu như Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Ban Tuyên giáo…, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy. Như vậy, toàn Đảng phải có trách nhiệm.

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ảnh: Công Hân)

“Nếu như các đảng viên có trách nhiệm với Đảng thì thấy ở đâu có những người không xứng đáng thì phải báo cáo với Đảng. Tôi hy vọng kỳ này, Trung ương sẽ thiết lập các kênh thông tin như đường dây nóng, nơi tiếp nhận thư… để làm thế nào ý kiến của người dân, đảng viên được tiếp nhận, góp phần cùng Trung ương chọn được những nhân sự như kỳ vọng. Song cũng phải nhấn mạnh rằng, quyền quyết định vẫn là Trung ương và tối cao là Đại hội. Chính vì vậy, các đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc phải là những người trong sáng, có trình độ, trách nhiệm, phẩm chất tốt”, ông Vũ Quốc Hùng nói.

Về vấn đề kê khai tài sản, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất, cán bộ phải kê khai tài sản của mình và ký ở dưới cam đoan chịu trách nhiệm về tính trung thực của sự khai báo ấy. Sau đó, các cơ quan chức năng được Trung ương cử ra, chọn những người thẳng thắn, trung thực, vô tư đi thẩm tra, xác minh xem những khai báo đó có đúng không. Nếu có điều gì khuất tất thì phải báo cáo đầy đủ với tổ chức.

Việc khai báo này cũng nên mở rộng trong nhân dân. Trước tiên là khai báo tài sản cho toàn cơ quan được biết, sau đó là tại nơi cư trú, thậm chí niêm yết công khai. Còn thực tế lâu nay là sau khi kê khai tài sản xong thì một bộ phận biết rồi cất đi, cộng với sự nể nang, né tránh thì không ổn.

Đồng quan điểm này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng cán bộ phục vụ nhân dân, phục vụ như thế nào thì nhân dân phải được giám sát. Nhân dân sẽ giám sát việc kiểm kê tài sản để sau đó giám sát, phát hiện tài sản phát sinh sau này của cán bộ đó có hợp pháp hay không hợp pháp để biết rằng họ trong sạch hay không trong sạch.

Mục đích giám sát để người cán bộ đó phục vụ nhân dân tốt hơn, để không làm sai phạm bản chất của người công bộc, để ngăn chặn những tiêu cực do quyền lực của họ gây nên chứ không phải tìm cách để “trị” họ.

“Mục đích của việc kê khai tài sản là hoàn toàn chính đáng. Song công tác kê khai tài sản hiện nay bị đánh giá là ít hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là không công khai. Nếu kê khai tài sản xong, các bộ phận đó lại bỏ vào trong tủ kính để “tự xem xét” với nhau, để bảo vệ “uy tín” thì không bao giờ việc kê khai tài sản có giá trị.

Chưa có tổ chức nào mà qua kiểm tra kê khai tài sản phát hiện được nhân viên, cán bộ vi phạm rồi công khai ra bên ngoài biết. Cũng có chỗ phát hiện được nhưng lại đóng khung lại trong nội bộ, “đóng cửa dạy nhau”, không đưa ra bên ngoài vì sợ mất “uy tín”. Nhưng đã không trong sạch thì làm sao còn uy tín mà sợ mất. Chính “uy tín” đó mới cực kỳ nguy hiểm, nó phản bác lại việc chống tham nhũng. Chủ quan tự giám sát với nhau thì hiệu quả chỉ đạt được một phần nhỏ. Vì đã kê khai tài sản thì phải công khai việc này”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (Ảnh: Kim Anh)

Ông Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng việc kê khai tài sản hiện nay còn nặng về hình thức. Kê khai xong không kiểm tra, thẩm tra lại. Nếu 5 năm tới, về công tác xây dựng Đảng cũng thực hiện việc kê khai như hiện nay thì cũng không giải quyết được vấn đề gì (!).

“Vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền và người thân của họ, phải có hình thức kiểm tra sau khi họ kê khai. Cơ quan trách nhiệm phải thẩm tra, xác minh rõ đúng thực sự họ kê khai có trung thực không? Vì có những người chỉ kê khai có 1 nhà, nhưng thực tế chúng tôi biết họ có 5-6 nhà ở ngay Hà Nội. Có phải tham nhũng không hay bằng thu nhập của họ? Có người bỏ tiền ra mua cả tòa nhà, kinh doanh khách sạn, tiền đó họ lấy ở đâu?” - ông Tráng A Pao đặt vấn đề.

So sánh với cách làm của thế giới, ông Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Nhiều nước tư bản phát triển còn có đầy đủ cơ chế để kiểm soát thu nhập của cả Tổng thống. Bởi họ không coi thông tin tài sản của lãnh đạo cấp cao là thông tin bí mật hay chuyện riêng của một cá nhân. Thông tin về thu nhập đó phải được công khai để người dân, tổ chức nhà nước, cơ quan luật pháp kiểm soát.

“Theo tôi, quan điểm về vấn đề công khai tài sản phải rõ từ đó mới đi tới việc công khai minh bạch trong kê khai. Với các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Nội chính, Bộ Nội vụ… rõ ràng là chúng ta có đủ khả năng và điều kiện để kiểm soát thu nhập của người có chức vụ. Vấn đề chỉ là cách làm như thế nào?”, ông Nguyễn Trọng Phúc nêu ý kiến.

Theo VOV