Phương án V126 của Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng và Thực nghiệm Kiến trúc và Xây dựng.
|
Ngày 19/12/2019, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan thường trực Hội đồng thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương đã tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng về 03 phương án thiết kế đã được chọn vào bước 2, gồm: Phương án D781 của Công ty cổ phần Kiến trúc Lập Phương, phương án V126 của Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng và Thực nghiệm Kiến trúc và Xây dựng, và phương án I156 của liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty CPTV Kỹ thuật E&R. Thời gian để các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia ý kiến từ 8h00 ngày 19/12/2019 đến 17h00 ngày 27/12/2019.
Đây là lần thứ ba, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thi thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương nhằm xây dựng công trình giao thông trọng điểm trên tuyến đường vành đai 3, đồng thời hình thành một trong những công trình mang tính biểu tượng của Huế. Cây cầu dự kiến nằm thẳng trên trục đường Nguyễn Hoàng, bờ Bắc thuộc phường Kim Long, cách cầu Bạch Hổ hiện tại khoảng 1,3km về phía thượng lưu sông Hương (đi lên phía chùa Thiên Mụ). Bên kia cầu, phía bờ Nam giáp đường Bùi Thị Xuân thuộc Phường Đúc. Công trình có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 40,5m, với 6 làn xe. Tải trọng thiết kế cầu HL93; khổ thông thuyền theo tĩnh không thông thuyền của cầu Dã Viên là +4,75m; khổ thông thuyền có thể thay đổi theo phương án kiến trúc dự tuyển.
Được biết, trong cuộc thi lần nhất năm 2015, Ban tổ chức không chọn được phương án nào khả thi. Lần thi thứ hai tổ chức năm 2016 có 20 phương án từ 13 đơn vị tham gia. Hội đồng đã chọn ra giải Nhất là phương án “Chiếc nón”, giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về các phương án “Trăng sông Hương” và “Núi Ngự Bình”. Sau cuộc thi, giải Nhất là hình tượng nón lá được đưa ra lấy ý kiến người dân rộng rãi, tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối từ công chúng cũng như các nhà chuyên môn vì chưa đáp ứng được yêu cầu của một công trình kiến trúc quan trọng, chưa thể hiện được “hồn cốt” văn hóa, lịch sử cố đô. Vì thế, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục mở cuộc thi lần ba, bắt đầu từ tháng 5 năm 2019. Kết thúc cuộc thi, Sở Xây dựng đã nhận được 15 phương án thiết kế từ 11 đơn vị. Hội đồng thi tuyển đã bỏ phiếu, lựa chọn 3 phương án như đã nêu ở trên.
Phương án D781 của Công ty cổ phần Kiến trúc Lập Phương
|
Theo quy chế cuộc thi, nhằm mục tiêu xây dựng một công trình kiến trúc tiêu biểu, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến trúc khu vực sông Hương, phương án dự thi phải có ý tưởng đặc sắc, khác biệt với các cầu đã có trên sông Hương, không trùng lặp với các ý tưởng và phương án thiết kế của các cầu hiện có tại Việt Nam và trên thế giới. Nghiên cứu kỹ về chiếu sáng trang trí và chiếu sáng nghệ thuật, tạo điểm đến thu hút khách du lịch. Phương án thiết kế kiến trúc công trình cần đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, phát huy tối đa về ý tưởng thiết kế, công nghệ ứng dụng tiên tiến, hiện đại, đạt hiệu quả cao về chất lượng cũng như giá trị văn hóa và thẩm mỹ, đảm bảo tiến độ kế hoạch.
Hiện nay, người dân Huế và những người yêu Huế trên cả nước đang thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn và tham gia bình chọn phương án tốt nhất. Tuy nhiên vẫn còn có ý kiến băn khoăn, e ngại dự án sẽ ảnh hưởng đến khu vực Kim Long nổi tiếng với những nhà vườn cổ kính, yên tĩnh và Phường Đúc – Thủy Xuân với những di tích lịch sử Chăm Pa và triều Nguyễn, vốn được xem là một phần không thể tách rời của cố đô Huế.
Bên cạnh đó, chiều kích các mẫu thiết kế khá lớn có thể gây cảm giác chia cắt không gian cảnh quan sông Hương; một số chi tiết rườm rà, nặng nề trong các phương án cần được lược bỏ để đảm bảo thanh thoát, nhẹ nhàng. Đâu đó trong số phương án trưng bày, vẫn còn bắt gặp hình ảnh của những chiếc cầu ở thành phố Hồ Chí Minh, kiến trúc chưa biểu hiện thật đặc trưng văn hóa – lịch sử xứ Huế.
Cũng có ý kiến cho rằng phương án thiết kế với hai làn cầu tách rời nhau, tạo cấp cầu ở các độ cao khác nhau khó mà phù hợp sông Hương vốn được ví như người con gái Huế dịu dàng, kín đáo, không phô trương, cầu kỳ. Mặt khác, Huế là vùng thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ, mưa to gió lớn, nắng lắm, mưa nhiều vào hàng khắc nghiệt nhất nước, nên các phương án trồng cây trên cầu cũng cần xem xét kỹ, nếu trồng thì nên chọn loại nào dễ chăm sóc, không bị gãy đổ do mưa bão và tiện bề chăm sóc, thay thế.
3 ảnh phối cảnh theo phương án I156 của liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty CPTV Kỹ thuật E&R.
|
Từ trước đến nay, việc xây dựng cầu bắc qua sông Hương luôn là bài toán khó, bởi sông Hương được xác định là trục cảnh quan đô thị Huế, hai bên bờ sông là quần thể di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Do đó đó mọi công trình xây dựng phải tôn trọng di sản, không được làm ảnh hưởng xấu mà còn phải làm tăng giá trị di sản, đây là thách thức rất lớn đối với các kiến trúc sư, kỹ sư.
Ngoài ra, kiến trúc cầu vượt sông Hương phải được xem xét, đánh giá các ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến hệ thống các cầu hiện có, bao gồm ảnh hưởng đến thị giác và cảnh quan tổng thể khi đứng nhìn từ cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân và cầu Dã Viên. Các kết cấu chịu lực như trụ cầu, vài cầu, thành cầu cần có kích thước vừa phải, hạn chế tối đa sự che chắn tầm nhìn lên phía thượng lưu, chùa Thiên Mụ, đồi Long Thọ, hay xa hơn là núi Kim Phụng; đồng thời, khi nhìn về phía hạ lưu với núi Ngự Bình, kinh thành Huế cổ kính hay cồn Hến ở xa xa cũng phải thông thoáng; trụ cầu cũng cần có kiểu dáng và kích thước thích hợp để hạn chế cản trở đến dòng chảy sông Hương, nhất là dòng chảy trong mùa lũ lụt..
Cũng không nên chọn những kiểu dáng kiến trúc lạ lẫm, lai căng, rối rắm, bởi chúng sẽ làm tan biến chất thơ của sông Hương và phá vỡ sự hài hòa, yên tĩnh và dịu êm của thành phố Huế, vốn được xem là “một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”.
Đến nay, dư luận đánh giá cao việc Tỉnh tổ chức lấy ý kiến về công trình này. Hy vọng, với sự tham gia tích cực của cộng đồng và sự công tâm, khách quan, chính xác của Hội đồng giám khảo, lần thi này sẽ chọn được phương án cầu vượt sông Hương tốt nhất để đưa vào xây dựng, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố di sản trong lòng người dân Việt Nam và thế giới.