Ông Eduardo Menez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phillipines cho biết: "Mức cảnh báo ở toàn bộ lãnh thổ Iraq đã được nâng lên mức cảnh báo cấp 4 và việc sơ tán là điều bắt buộc".
Hiện có 1.600 người Philippines đang làm việc tại Iraq. Trong đó, có hơn một nửa ở khu vực Kurdistan, những người còn lại ở các cơ sở của Mỹ và những nước khác ở Baghdad cũng như ở các cơ sở thương mại tại Erbil.
Một tàu tuần tra bờ biển Philippines mới được mua từ Pháp và đang trên đường đến Philippines, đã được lệnh chuyển hướng tới Oman và Dubai để hỗ trợ những người Philippines có thể cần được rời khỏi khu vực.
Lực lượng bảo vệ bờ biển thông báo: "Những người Philippines đang làm việc ở nước ngoài sẽ được đưa đến các cảng an toàn hơn, nơi có thể tiếp tế khẩn cấp bằng máy bay, trong trường hợp phát sinh nhu cầu".
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, người đứng đầu một ủy ban mới được thành lập để chuẩn bị chiến dịch sơ tán, cho biết chính phủ đang chuẩn bị máy bay cho người Philippines ở Iraq và Iran muốn về nước hoặc di chuyển đến các khu vực an toàn hơn.
Có khoảng 2,3 triệu người đến từ Philippines đang làm việc ở Trung Đông với các công việc như người giúp việc gia đình, công nhân xây dựng, kỹ sư và y tá.
Họ đã gửi về 5,4 tỷ đô la Mỹ kiều hối tính từ tháng 1 đến tháng 10 năm ngoái, chiếm 1/5 tổng lượng kiều hối trong giai đoạn đó, khiến khu vực này trở thành một nguồn thu ngoại tệ chính giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Philippines.
Cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào các lực lượng Mỹ ở Iraq diễn ra ngày 8/1, vài giờ sau lễ tang của tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào ngày 3/1.
Không có ghi nhận về bất kỳ thương vong nào trong các cuộc tấn công tên lửa của Iran.
(Theo CNA)