|
Khu nhà xưởng bị cháy nằm trong khu dân cư đông đúc. |
Tuy nhiên, vụ việc ấy phát sinh một “ngọn lửa” vô hình mà lực lượng phòng cháy chữa cháy dù có “3 đầu 6 tay” và trang bị thêm 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không vốn rất nổi tiếng thì cũng “bó tay”.
“Ngọn lửa” ấy tồn tại ngay trong dư luận và khó có thể dập tắt trong một sớm một chiều. “Ngọn lửa” ấy xuất phát từ cách hành xử của UBND quận Thanh Xuân với UBND phường Hạ Đình; sự trung thực của Công ty Rạng Đông với cơ quan chuyên môn và cao hơn hết là hành xử của cơ quan chức năng, địa phương với môi trường, với sức khỏe người dân.
Xin lược lại tình tiết một phần chính của sự việc để độc giả hiểu hơn. Sau vụ cháy, vào ngày 29/8, UBND phường Hạ Đình ra Thông báo số 112/TB-UBND về việc xử lý vệ sinh môi trường sau cháy. Tại văn bản này, Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình Trần Thị Nhiên không hề nhắc đến bất cứ từ nào liên quan đến hóa chất hay thủy ngân mà chỉ là các từ “khói bụi độc hại”.
Trên cơ sở ấy, UBND phường Hạ Đình đã khuyến cáo rất nhiều nội dung hết sức cụ thể, chi tiết và nếu xem xét kỹ thì cũng chỉ nhằm mục đích cuối cùng là hướng người dân biết cách phòng tránh và tự bảo vệ sức khỏe khỏi bị nhiễm độc sau vụ cháy.
|
||
|
Tuy nhiên, vào ngày 30/8, Thông báo số 112/TB-UBND của phường Hạ Đình đã bị UBND quận Thanh Xuân “bắn rụng”, yêu cầu thu hồi vì “ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở”.
Đã thế, UBND quận Thanh Xuân còn yêu cầu bà Trần Thị Nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình phải làm kiểm điểm.
Tại đây, bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân từng khẳng định trước công luận: “Khoảng 4 ngày tới sẽ có kết quả. Lúc đó, ô nhiễm hay không, ảnh hưởng tới người dân ra sao, quận sẽ có thông báo”.
Rất nhanh sau đó, vào chiều muộn ngày 31/8, Đài Truyền hình Hà Nội phát đi thông điệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông báo kết quả phân tích môi trường không khí 5 vị trí quanh khu vực xảy ra đám cháy, cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép.
Ấy nhưng, đền chiều muộn ngày 4/9, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đã thông tin kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.
Theo đó, có khoảng 27,2kg thủy ngân phát tán ra môi trường và vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng nằm trong bán kính 500m.
Điều đặc biệt là, sau vụ cháy, đại diện Công ty Rạng Đông không đưa ra bất cứ thông tin khuyến cáo nào tới người dân và cơ quan chức năng cũng như cơ quan báo chí.
Điều này chỉ có được khi Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc, nhưng cũng chỉ xác nhận có khoảng 15kg thủy ngân bị thiêu hủy trong vụ cháy.
Từ những thông tin trên, ông P. Q. H. sống ở phường Hạ Đình phân tích, năng lực chuyên môn của cơ quan chức năng thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội khiến người dân không thể tin nổi, TP Hà Nội cần phải cân nhắc có tiếp tục trả lương và sử dụng họ nữa hay không? Bởi Nhà nước, địa phương, người dân chi ngân sách nuôi họ nhưng đến cái máy mà họ sử dụng vốn được gọi là “cần câu cơm” còn không được và phải để Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm công văn gửi Bộ Khoa học-Công nghệ, mời cơ quan quan trắc độc lập đến lấy mẫu, đo đạc lại thì không còn gì đề nói.
Ông H. cũng cho rằng, dường như giữa UBND quận Thanh Xuân và Công ty Rạng Đông, những đối tượng có biểu hiện thiếu trung thực từ sau vụ cháy đang tồn tại một thỏa thuận ngầm nào đó mà dư luận không thể biết được.
Phải chăng họ sợ phải bỏ ra kinh phí để khắc phục sự cố hay là cố tình làm cho sự việc trở thành “không có gì”, để Công ty Rạng Đông không phải chuyển nhà máy đi chỗ khác, để giữ “đất vàng”...
Qua điều tra sơ bộ của phóng viên VietTimes từ những người dân sinh sống ở khu vực phường Hạ Đình cũng như những người thạo tin thì thấy rằng, rất nhiều người có cùng suy nghĩ, cách phân tích giống như ông H.
Những điều này rõ ràng đang là “ngọn lửa” âm ỉ cháy trong lòng dư luận và khó có được câu trả lời chính xác.
Phải chăng “ngọn lửa” này là một trong những điển hình về cách làm việc cố tình thiếu trung thực với dân của đội ngũ cán bộ?
Liệu điều này có thể lý giải bởi hai nguyên nhân: Một là, cán bộ thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm với dân. Hai là, có một thế lực nào đó muốn hướng lái kết quả kiểm tra, quan trắc môi trường sau vụ cháy để nhằm mưu đồ trốn tránh hoặc tìm kiếm lợi ích sâu xa hơn.
Hy vọng, hai suy luận trên đây sẽ không bao giờ là sự thực. Bởi nếu là sự thực thì quả thực sẽ rất nguy hiểm cho người dân và xã hội chúng ta.