Nam Việt kiều mắc COVID-19 nặng ngang bệnh nhân 91 vượt qua “cửa tử” một cách ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiều nay, ngày 10/6, bệnh nhân 2983 – nam Việt Kiều mắc COVID-19 nặng ngang bệnh nhân 91 đã vượt qua “cửa tử”, được cai ECMO (tim phổi nhân tạo) và dần hồi phục. 
Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân 2983 (Ảnh - BVCC)
Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân 2983 (Ảnh - BVCC)

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Bệnh nhân 2983, 65 tuổi, Việt kiều Campuchia là một trong những bệnh nhân nặng ngang bệnh nhân 91, được Hội đồng chuyên môn Hội chẩn thường xuyên đã cai ECMO thành công.

Được biết, bệnh nhân 2983 có tiền sử bị đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm, được Tiểu ban Điều trị và Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng Quốc gia hội chẩn. Vì thế, Tiểu ban điều trị đã đưa ra hướng xử lý là đặt dẫn lưu màng phổi, xét nghiệm kháng sinh đồ kiểm tra lại để lựa chọn kháng sinh phù hợp cho người bệnh. Bệnh nhân được theo dõi sát vì có tràn khí màng phổi, tình trạng tiến triển nặng.

Để tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân 2983, Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế An Giang và Bệnh viện Đa khoa Khu vực An Giang cấp cứu cho bệnh nhân.

Bệnh nhân 2983 trong giai đoạn cai ECMO (Ảnh-BVCC)

Bệnh nhân 2983 trong giai đoạn cai ECMO (Ảnh-BVCC)

Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh xem xét, tiếp nhận cấp cứu, điều trị ca bệnh nặng Khi chuyển tuyến, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang phải thảo luận và thống nhất với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh về cách thức chuyển tuyến và tuân theo các quy định an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn trong chuyển tuyến điều trị.

Ngày 13/5, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực An Giang đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và được chạy ECMO, điều trị an thần, giảm đau, dãn cơ, dinh dưỡng qua sonde và phòng ngừa loét dạ dày tá tràng, loét tì đè. Các chuyên gia đánh giá, đây là bệnh nhân rất nặng nên cần theo dõi sát các chỉ số.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân được các bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực và chống độc theo dõi chặt chẽ. Sau khi chụp CT-Scan ngực, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tràn khí màng phổi phải, nhu mô phổi chỉ còn khả năng hoạt động 10-20%, nhiều kén khí dọa bể. Xét nghiệm Real time RT-PCR SARS-CoV-2 còn dương tính kéo dài sau hơn 3 tuần nhiễm bệnh. Vì thế, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân can thiệp ECMO và phải hỗ trợ hồi sức hô hấp tuần hoàn trong thời gian dài.

Sau 26 ngày can thiệp ECMO, thở máy, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện. Bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, tổn thương phổi cải thiện dần, dấu hiệu nhiễm trùng đã được kiểm soát tốt.

Đến ngày 9/6, bệnh nhân đã được ngưng ECMO và tập vật lý trị liệu để hồi phục hoàn toàn.