Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tốc độ tăng GDP đã được đảo chiều từ giữa năm 2014 và dự báo năm 2015 đạt mức 6,5% so với mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,2% theo đánh giá của VDPF.
Thể chế kinh tế thị trường cũng đã có cải thiện đáng kể với một loạt các luật mới ban hành. Ngoài ra cải cách doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp; nền kinh tế hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.
Miếng ngon chảy vào doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân èo uột
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn VDPF, tăng trưởng năng suất của kinh tế Việt Nam ngày càng thấp và giảm đi. Dẫn chứng từ nghiên cứu cảu Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm từ 5,3% năm 2006 xuống còn 3,3% năm 2013.
Số liệu kinh tế cũng cho thấy, nguồn lực đang bị định hướng đến những hoạt động không hiệu quả. Các ngành tài chính ngân hàng, địa ốc và xây dựng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng đầu tư nhưng năng suất của các ngành này thấp so với các ngành chế tạo.
Doanh nghiệp nhà nước cũng nhận được nhiều đầu tư từ ngân sách và phần lớn tín dụng cho doanh nghiệp. Cũng có tới 70% doanh nghiệp nhà nước sử dụng khoảng 70% diện tích đất để kinh doanh. Song hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước lại không cao khi năng suất thấp, thua lỗi hoặc có lãi không đáng kể.
Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân vẫn yếu và mong manh. Có tới 97% doanh nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đáng lo hơn là khi các doanh nghiệp tư nhân gia tăng quy mô thì hoạt động lại kém hiệu quả hơn.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy những doanh nghiệp có doanh thu trên tài sản và doanh thu trên lao động của các doanh nghiệp có trên 300 công nhân lại thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp có dưới 100 công nhân.
Một trong những nguyên nhân chính tạo nên điểm yếu của kinh tế là sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước đối với các yếu tố đầu vào chính và sự can thiệp vào nền kinh tế bằng sở hữu và các biện pháp hành chính.
Hiện nay, tổng vốn Nhà nước ở trong các doanh nghiệp nhà nước có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ là khoảng 130 tỷ USD. Ngoài hơn 800 doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa, Chính phủ đang giữ phần vốn chi phối tại nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nên những doanh nghiệp này chưa thay đổi thực chất về quản trị.
Theo nhận định của VDPF, quản trị, giám sát và cơ chế khuyến khích yếu đã khiến cho các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có những quyết định kinh doanh kém, khiến năng suất trung bình của nền kinh tế giảm đi.
Với một nền kinh tế có đặc điểm là cạnh tranh yếu và không công bằng dưới dạng độc quyền doanh nghiệp nhà nước, nhà nước kiểm soát giá và các gian lận thương mại. Hiện Nhà nước vẫn nắm độc quyền và ấn định giá ở những yếu tố đầu vào chính như năng lượng và đất. Điều này đã tạo ra các tín hiệu thị trường sai lệch về chi phí cơ hội của nguồn lực nên nhiều quyết định đầu tư không hiệu quả vẫn được thực hiện, ảnh hưởng xấu đến kết quả tổng thể của nền kinh tế.
Môi trường kinh doanh cần dễ thở hơn
Yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, theo VDPF một phần là do tính không ổn định và không nhất quán của môi trường thể chế. Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, có gần 2500 văn bản quy phạm pháp luật và hành chính có dấu hiệu vi phạm quy định về xây dựng pháp luật trong giai đoạn 2009 – 2012 nhưng ít bị yêu cầu hủy bỏ.
Số thông tư và văn bản hành chính đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đạt gần 4500 văn bản năm 2015. Khảo sát của VCCI với doanh nghiệp cho biết chỉ có 11% cho rằng chính sách pháp luật trung ương có thể dự đoán được. Điều này làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng lên.
Cũng theo VDPF, vẫn còn nhiều hạn chế kinh doanh ở Việt Nam khi trong số 6000 điều kiện kinh doanh mà Bộ Kế hoạch và đầu tư thống kê, nhiều điều kiện kinh doanh đã tạo ra rào cản gia nhập thị trường.
Các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cũng có chất lượng thấp và thường không hướng tới nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống tư pháp cũng chưa thể hỗ trợ thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả. Hệ thống thông tin về tình hình chi tiêu Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế…
Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành nền kinh tế tăng trưởng cao và thịnh vượng nhờ hội nhập, song các chuyên gia của VDPF khuyến nghị rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để tự do hóa kinh doanh, ưu tiên chính sách cạnh tranh như một trụ cột trung tâm của kinh tế thị trường.
Đối với DNNN cần hạn chế hoạt động của DNNN ở những lĩnh vực chiến lược và sắp xếp, áp đặt kỷ luật với DNNN để hỗ trợ cạnh tranh. Tăng cường cung cấp thông tin công cộng và thành lập cơ quan trung ương để đẩy mạnh tham vấn, minh bạch chính sách…
Theo Trí thức trẻ