Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào chiều nay 28-12, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền đã thông tin về tình hình lao động việc làm, các chính sách cho người có công.
Theo đó, năm 2015 có khoảng 115.000 lao động ra ngoài nước làm việc, có thu nhập, nhưng lại nổi lên vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Mặc dù đã tiến hành thanh tra, xử phạt nhưng vẫn còn tồn tại, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cùng giám sát doanh nghiệp để người lao động đi xuất khẩu được đảm bảo quyền lợi.
Về chính sách cho người có công, theo Bộ trưởng, hiện vẫn còn khoảng 2 triệu người. Bên cạnh đó, qua rà soát cũng phát hiện thêm 71.000 đối tượng mới cần được xem xét.
Liên quan đến quà Tết năm nay, mức đề xuất bằng năm ngoái với tổng số tiền khoảng 437 tỉ đồng cho khoảng 2 triệu đối tượng. Về các chính sách bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương nắm tình hình, trên cơ sở đó sớm đề xuất phương án trợ cấp gạo cho người dân. Bộ trưởng cũng lưu ý rút kinh nghiệm nhiều địa phương trước đây làm muộn nên đến tận 25 – 26 Tết người dân mới nhận được gạo.
Về vấn đề thưởng Tết của doanh nghiệp với người lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ đang hướng dẫn triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chuyền cũng cho biết vừa xuống các Tổng công ty xem xét, nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng mức thưởng Tết cụ thể.
Dù chưa có thông báo cụ thể, nhưng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng đưa ra dự kiến mức thưởng Tết năm nay cho người lao động là khoảng 1 tháng lương.
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết Bộ GDĐT đã bàn bạc, lấy ý kiến và sắp đưa ra quyết định cuối cùng về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đến thời điểm này, ngành giáo dục khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của việc triển khai thi THPT quốc gia đã thực hiện năm 2015. Tất cả các ý kiến góp ý về cơ bản đề nghị giữ nguyên phương án thi trong năm 2016 như đã thực hiện năm 2015, trong đó có những điều chỉnh chi tiết liên quan đến vấn đề xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh, phụ huynh, gia đình và địa phương.
"Chúng ta sẽ phải sớm công bố phương án thi, muộn nhất là trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán để các cháu học sinh có thời gian chuẩn bị" - người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định.
Theo nhận định của Bộ GDĐT, chi phí tổ chức cho kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua giảm hơn nhiều so với chi phí ba đợt thi đại học, cao đẳng trong những năm trước đây. Đồng thời, áp lực thi đã giảm đi nhiều.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận sự bất cập của kỳ thi THPT quốc gia là điều khó tránh khỏi, ví dụ như công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa tốt dẫn đến một số thí sinh, gia đình, nhà trường chưa hiểu hết các quy định mới về tuyển sinh; việc đăng ký dự tuyển, đăng ký xét tuyển còn có sai sót; thời gian xét tuyển đợt 1 quy định 20 ngày quá dài, vấn đề kỹ thuật còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, tỉ lệ những thí sinh bị ảnh hưởng là rất ít.
Theo NLĐ