Năm 2020, sẽ có hai mặt trăng xuất hiện trên bầu trời

VietTimes – “Chị Hằng, chú Cuội” tưởng như chỉ có một, nhưng vào năm 2020 trên bầu trời Trung Quốc sẽ xuất hiện thêm một mặt trăng thứ hai.
(ảnh minh họa: Raymond Shobe/Flickr)
(ảnh minh họa: Raymond Shobe/Flickr)

Sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại đòi hỏi nhân loại phải tìm kiếm thêm các nguồn năng lượng mới, cũng như sử dụng hiệu quả hơn các nguồn năng lượng sẵn có. Nhiều kế hoạch đã được đưa ra, từ những kế hoạch đầy tham vọng như đưa loài người lên sao Hỏa, cho đến ý tưởng lưu trữ năng lượng trong các lò nung gạch cổ đại. Câu trả lời đang được kiếm ở khắp mọi nơi.

Một trong những kế hoạch thu hút sự chú ý nhất là từ Trung Quốc. Chính phủ nước này đang xem xét để phóng một mặt trăng nhân tạo lên không gian nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước. Người nhận trách nhiệm chủ trì dự án là giáo sư Wu Chunfeng, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hệ thống Vi điện tử và Công nghệ vũ trụ Thành Đô.

Dự án này đã được xúc tiến từ năm 2013 và thông tin gần đây cho biết Trung Quốc sẽ phóng mặt trăng chiếu sáng lên bầu trời vào năm 2020. Thông tin này được giáo sư Wu tiết lộ tại Tuần lễ Đổi mới và Doanh nhân Quốc gia được tổ chức hồi đầu tháng này tại Trung Quốc. Đây là sự kiện thường niên, giới thiệu những công nghệ mới nhất trên cả nước.

Kế hoạch đằng sau mặt trăng nhân tạo

Việc phóng mặt trăng nhân tạo lên bầu trời là một kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc. Theo thông tin chia sẻ trên tờ Nhân dân Nhật báo thì mặt trăng nhân tạo này sẽ tạo ra “một thứ ánh sáng giống như hoàng hôn”, có thể chiếu sáng một khu vực có đường kính từ 10-80 km. Có thể một số người sẽ hình dung đến logo Batman trên bầu trời thành phố Gotham trong bộ phim nổi tiếng “Người dơi”.

Cũng theo Nhân dân Nhật báo, mặt trăng nhân tạo sẽ sáng gấp 8 lần mặt trăng thực. Có vẻ như mặt trăng này nửa mang tính khoa học, nửa mang tính viễn tưởng. Giáo sư Wu nói rằng ý tưởng cho quả cầu phát sáng trên bầu trời này đến từ câu chuyện của “một nghệ sỹ người Pháp – người đã tưởng tượng mình đeo một chiếc vòng cổ kết từ những mảnh gương, phản chiếu ánh nắng soi sáng cho đường phố Paris quanh năm”.

Tính khả thi của mặt trăng nhân tạo

Mặc dù các ý tưởng tương tự như của giáo sư Wu đã xuất hiện ở một số quốc gia khác, nhưng kế hoạch của phía Trung Quốc có vẻ nghiêm túc và đầy quyết tâm. Trung Quốc vốn là quốc gia đang phát triển nhanh và họ cần nhiều nguồn năng lượng cho sự phát triển. Việc đưa một vệ tinh chiếu sáng lên bầu trời là một công việc trong tầm tay của Trung Quốc, tuy nhiên việc nó sử dụng nguồn năng lượng nào để duy trì việc phát sáng mạnh vẫn là một câu hỏi để ngỏ.   

Hy vọng tầm nhìn táo bạo và sáng tạo này sẽ thúc đẩy các quốc gia khác đưa ra những giải pháp hữu ích cho việc tái tạo năng lượng hiện có cũng như tìm kiếm những nguồn năng lượng mới.

Theo IE