Năm 2020: Hàn Quốc “khai tử” tiền mặt

VietTimes -- "Hãy trả lại tiền xu" là thông điệp được Ngân hàng trung ương ở Hàn Quốc đưa ra, nhằm tiến tới một “xã hội không tiền mặt”. Ngân hàng Hàn Quốc tuyên bố họ sẽ thiết lập những nỗ lực nhằm giảm sự lưu thông của tiền xu, loại tiền đang có mệnh giá cao nhất chưa đến 0,50 USD.
Ngân hàng Hàn Quốc tuyên bố nỗ lực nhằm giảm sự lưu thông của tiền xu
Ngân hàng Hàn Quốc tuyên bố nỗ lực nhằm giảm sự lưu thông của tiền xu

Đây là một phần trong kế hoạch mà chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành, nhằm để người dân thay đổi sang các loại thẻ “T Money” – một loại thẻ du lịch điện tử có thể dùng để thanh toán vé tàu xe, taxi và thậm chí mua hàng tại 30.000 cửa hàng tiện lợi.

Những kế hoạch trên chỉ là những bước mới nhất của Hàn Quốc, quốc gia luôn đi đầu trong việc khai thác công nghệ để giúp cuộc sống của các công dân thuận tiện hơn. Mua sắm online, thanh toán di động đang là xu hướng của thế hệ thanh thiếu niên am hiểu công nghệ của Hàn Quốc.

Hiện nay, Hàn Quốc đã là một trong những quốc gia ít dựa vào tiền mặt nhất trên thế giới. Họ là nước có tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng cao nhất – khoảng 1,9/công dân – và chỉ khoảng 20% các thanh toán của Hàn Quốc là dùng tiền mặt.

Nhưng dù thế, vẫn có những vấn đề cần xem xét khi hướng tới xã hội không tiền mặt. Ngân hàng Hàn Quốc chi hơn 40 triệu USD mỗi năm để đúc tiền xu. Ngoài ra còn có những chi phí liên quan đến các tổ chức tài chính để thu thập, kiểm soát và lưu thông tiền xu.

“Khi chúng tôi đúc 1 xu trị giá 10 won, chi phí cao hơn cả 10 won”, Lee Hyo-chan, giám đốc nghiên cứu của Viện Tài chính tín dụng ở Seoul, nói. Ngoài ra, cũng có hy vọng rằng sự chuyển đổi sang thanh toán điện tử sẽ giúp hạn chế nền kinh tế phi chính thức, tăng cường kho bạc của nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng chung.

“Chúng tôi có thể tiết kiệm nhiều chi phí khi không dùng tiền mặt”, Kim Seong hoon, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn quốc, nói. “Nếu chúng tôi bỏ tiền mặt, có thể nhận thấy tăng trưởng kinh tế sẽ tăng thêm 1,2%/năm. Một xã hội không tiền mặt có thể giúp giải quyết sự tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và môi trường kém hấp dẫn”.

Nhưng vấn đề này sẽ còn cần đến sự thay đổi khá lớn, trong thói quen của dân số già. “Nếu Hàn Quốc muốn không tiền mặt về lâu dài, những công dân lớn tuổi sẽ phải thay đổi tư duy dùng tiền mặt trong các sự kiện truyền thống, như đi chợ, nhà thờ hay sự kiện gia đình như đám cưới”, ông Kim Seong hoon nói.

Trên toàn cầu, các quốc gia Scandinavia đang dẫn đầu xu thế tiến tới xã hội không tiền mặt. Hơn nửa trong số 1.600 chi nhánh ngân hàng của Thụy Điển không dùng tiền mặt. Ngân hàng lớn nhất của Na Uy năm nay cũng đã kêu gọi về một xã hội không tiền mặt.

Theo CNBC