Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô, với định hướng xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội triển khai nhất quán, sâu rộng tới toàn bộ hệ thống chính quyền, mặt trận, đoàn thể và người dân. Mới đây, tại Hội nghị Tuyên dương Bí thư Chi đoàn giỏi Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của thanh niên trong sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Lãnh đạo Thành ủy cho rằng: “Việt Nam đã chính thức tham gia TPP” nên các hoạt động của Đoàn cần có nhiều điểm mới, sáng tạo, có sức lôi cuốn, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia hưởng ứng, phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
“Các bạn thanh niên phải là nòng cốt trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tri thức của Thủ đô bằng nỗ lực học tập, làm việc tốt, sáng tạo và hiệu quả hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô; khuyến khích các bạn đoàn viên thanh niên tham gia khởi nghiệp, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô khởi nghiệp”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Hà Nội mong muốn là Thủ đô khởi nghiệp. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Trung tâm ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoàn thành xây dựng và báo cáo UBND Thành phố Đề án "Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin" nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ươm tạo các dự án kinh doanh, ý tưởng sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cần sớm tăng tốc để khởi nghiệp
Có thể nói, những viên gạch đầu tiên cho nền móng xây dựng "Hà Nội - Thủ đô khởi nghiệp" đã được dựng lên và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, phần đông tại Việt Nam hiểu đơn giản start up là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Nhưng để tạo nên một quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp cần những chiến lược dài hạn, hỗ trợ cơ chế chính sách và tài chính...
Cụ thể, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chính quyền và các quỹ tài chính nên hỗ trợ hơn nữa nhóm kinh tế tư nhân để tiến đến phát triển kinh tế quốc gia, trong đó khởi nghiệp là một chương trình được lên kế hoạch thực hiện trong chuỗi giá trị giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Tùy vào thế mạnh riêng, mỗi quốc gia và địa phương sẽ chọn cho mình những lĩnh vực ưu tiên phù hợp, sau đó nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả và theo sát toàn bộ 5 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp (tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành, phục hồi). Tóm lại, khởi nghiệp phải là một phần của quốc sách phát triển.
Ông Adrian Tan, Giám đốc Chương trình Huấn luyện của Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) cho biết, Việt Nam là thị trường khởi nghiệp năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á. “Chúng tôi tin rằng, các startup tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ sớm tăng tốc độ khởi nghiệp, nhanh chóng trưởng thành từ ý tưởng đến hoạt động kinh doanh trên thực tiễn. Điều này cũng sẽ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam”, ông Adrian Tan nhấn mạnh.
Đồng thời, kỳ vọng với sự phát triển của phong trào khởi nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị từ công nghệ và cải thiện cuộc sống cho người dân trong khu vực và trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu trở thành Thủ đô khởi nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho biết, Thành phố đã đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện. Cụ thể, Hà Nội đã xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp mà trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các nhóm giải pháp chính như Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử từ đó hình thành Thành phố thông minh và đó chính là "bệ đỡ" cho khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, hình thành các vườn ươm doanh nghiệp.
Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân với cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội tham gia quỹ đầu tư mạo hiểm, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành lập trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp chung và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với quy mô cần thiết. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó chính quyền Thành phố có trách nhiệm quan trọng và giữ đúng tinh thần hỗ trợ sáng tạo đổi mới cả chấp nhận rủi ro...