Nhắm mắt “khởi nghiệp” là tự tử từ từ

Không phải vì đã tốt nghiệp đại học mà chưa tìm ra chỗ làm, không phải vì thất nghiệp hay vì giận sếp mà lao ra khởi nghiệp. Đó có thể là sự tự tử từ từ mà bản thân không nhận ra.
Con đường nào để bạn khởi nghiệp
Con đường nào để bạn khởi nghiệp

Khởi nghiệp chỉ có một mức độ hấp dẫn nhất định, tùy môi trường sản xuất, kinh doanh mà với ước nguyện hành nghề tự do có thể biến ước mơ và ý tưởng của mình thành hiện thực.

Tuy nhiên, để một bước nhảy lên làm sếp, dù là sếp của chỉ một mình mình, hay bình quân chỉ mười người trở lại, thì phải đánh giá, cân nhắc, học tập và rèn luyện thì cũng phải chuẩn bị chu đáo và hội đủ các yếu tố để đáp ứng các điều kiện khởi nghiệp.

Con số thống kê từ xứ người

Theo kết quả của hai đợt khảo sát riêng biệt cách đây hai năm(*) của GfK và Ernst & Young, mức độ hấp dẫn của việc khởi nghiệp ở Úc là 50%, Mỹ và Hà Lan là 40%, ở Đức chỉ 25%. Khảo sát 26.000 người tại 24 nước cho thấy tâm lý sợ thất bại lớn nhất là ở Nhật Bản là 94%, Đức gần 80% và Mỹ là 33%, trong khi các nước ở châu Á (trừ Nhật) lại lạc quan, chỉ 17% sợ thất bại. Tuổi mơ mộng khởi nghiệp nhiều nhất nằm ở độ tuổi 20-25, chiếm 38%, và cũng là nhóm nguy cơ lớn nhất vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn.

Về môi trường khởi nghiệp, 73% dân Mỹ và 46% dân Đức cho là thuận lợi. Trong khi dân Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha rất sợ bộ máy quan liêu và thủ tục rườm rà.

Về mặt giáo dục, học sinh các nước Bắc Âu, Mỹ, Úc và Pháp được học về khởi nghiệp khá sớm (entrepreneurship). Học để hiểu biết, để hiểu sự vận hành của doanh nghiệp, việc ra đời hành nghề, biết đọc bản cân đối tài chính, hiểu về thuế và luật pháp. Học sinh được học khá đầy đủ để không đánh mất giấc mơ mà nhìn rõ thực tế. Học sinh và sinh viên đều cần phải hiểu rằng không nhất thiết phải khởi nghiệp, phải làm sếp mới là người thành đạt, mà làm công giỏi giang, xuất sắc thì vẫn thành đạt trong lưới an sinh xã hội với sự an toàn vững chắc hơn.

Học để biết khởi nghiệp luôn cần đáp ứng các điều kiện khách quan và chủ quan, vì trung bình có đến 30% các nhà khởi nghiệp không tồn tại sau ba năm, 50% không quá năm năm và 70% không quá bảy năm. Việc bị thất nghiệp lâu dài vì tuổi đã cao hay rơi vào túng quẫn, nợ nần, thậm chí cả những trạng thái tâm lý tiêu cực là một bất hạnh, mà không phải ai cũng có thể gượng lại, đứng lên và ngẩng đầu đi tiếp sau khi bị gục ngã.

Thị trường rất khắc nghiệt, có khi hơn cả chiến trường.

Nhiều chính phủ các nước công nghiệp, nhiều ngân hàng đều có chính sách hỗ trợ cho những người quyết tâm khởi nghiệp, nhằm giảm thiểu rủi ro, nguy cơ, và những gánh nặng an sinh xã hội.

Ở Đức chẳng hạn, ngân hàng tái thiết KfW có chương trình cho vay mà không đòi thế chấp, không cần vốn sẵn có nếu hội đủ các yếu tố khởi nghiệp. Chính phủ hỗ trợ 50% lãi suất (tức khoảng 1,1%/năm) cho những người có tay nghề cao nhưng cơ hội việc làm nhỏ, kể cả giới thất nghiệp vì khủng hoảng ngành nghề (gọi là ALG1, ALG2). Mọi người đều được tư vấn miễn phí và không ràng buộc. Một đường dây nóng miễn phí sẵn sàng trả lời và tư vấn (số 0800.589.5505). Có đến 80 phòng thương mại và công nghiệp tổ chức các khóa học về khởi nghiệp (hiểu, chứ không nhất thiết để làm). Có rất nhiều viện nghiên cứu và nhiều tư vấn viên để huấn luyện (coaching) chứ không chỉ tư vấn (consultancy).

Tiếng Đức có một từ ghép rất hay: selbstständig (khởi nghiệp) gồm chữ ständig (luôn luôn) và selbst (tự mình). Khởi nghiệp là luôn luôn tự làm với mình, làm một mình.

Các yếu tố khởi nghiệp

Dựa theo biểu đồ đính kèm, chúng ta có thể lướt qua theo kiểu “gạch đầu dòng” cho 52 chủ đề mà người khởi nghiệp cần đi qua, với 10 bước cụ thể trình bày dưới đây.

Bước 1: Khởi nghiệp: Nên hay không nên? Đây là câu hỏi cơ bản nhất, dựa trên các tiêu chí: sức khỏe (1), sự linh hoạt (2), sự kiên trì và quyết tâm (3), phong cách gây ấn tượng (4), khát vọng làm giàu (5), bí quyết (know-how) và kinh nghiệm (6), học nói “không” (7), quan niệm sống (8), chuyện mỗi ngày và dòng chảy công việc (9), sở thích và giải trí (10).

Bước 2: Ý tưởng khởi nghiệp có ngon ăn không? Cần xem xét đến tất cả các khía cạnh là ý tưởng (11), nhận rõ khách hàng mục tiêu (12), quyết định nhanh và chính xác (13), người đỡ đầu và giới thiệu/Reference (14), các mục tiêu (15), cuộc sống riêng tư và môi trường bao quanh (16).

Bước 3: Đã có đủ thông tin và tư vấn chưa? Người khởi nghiệp phải lưu ý đến: văn phòng/chỗ làm việc (17), nào là cách tổ chức (18), cách sàng lọc và xử lý thông tin (19), công nghệ mới (20) luật chuyên ngành và luật liên quan (21), bảo vệ dữ liệu thông tin + back up (22).

Bước 4: Kế hoạch kinh doanh sẽ bao gồm: lựa chọn mô hình kinh doanh (23), nguyên tắc Pereto 80/20 (24), lựa chọn số lượng khách hàng tối ưu (25), dịch vụ (26), tên và tên miền công ty (27), thuê ngoài (28), phân công (29), tiết kiệm(30).

Bước 5: Tính toán vốn khởi nghiệp: đầu tư và tái đầu tư (31).

Bước 6: Huy động vốn: cân nhắc đến các khả năng, hình thức huy động vốn giống như làm nhiều cột trụ cho căn nhà (32).

Bước 7: Thủ tục khởi nghiệp: chọn loại hình doanh nghiệp (33), sắp xếp và xử lý hồ sơ (34), mạng truyền thông xã hội (35).

Bước 8: Dự báo thuế: các loại thuế (36), kế hoạch tài chính và dự phòng (37), hiệu quả (38).

Bước 9: Vận hành và bảo hiểm: Quảng bá nhờ truyền miệng (39), tập trung vào chuyên ngành (40), giám sát sự an toàn và hiệu quả (41), đặt ra thời hạn và các thời điểm đã giao ước (42).

Bước 10: Tư vấn đồng hành sau khởi nghiệp là bước cuối cùng và cần thực hiện chu đáo, đó là tận dụng phản hồi từ khách hàng (43), phản ánh (44), động viên (45) đam mê (46), tư vấn (47), chiết tính hiệu quả thu chi (48), quan hệ tìm khách hàng (49), chăm sóc khách hàng (50), an ninh (51) và cuối cùng là khảo sát dưới dạng câu hỏi về sự hài lòng (52).

Nói tóm lại, việc khởi nghiệp cần chuẩn bị chu đáo và rất nên được huấn luyện kỹ. Càng chuẩn bị chu đáo thì càng giảm rủi ro. Xã hội cần có chính sách hướng nghiệp và khởi nghiệp thật tốt, chứ không chỉ nhằm vào việc thu thuế.

Xin nhớ, nhắm mắt “khởi nghiệp” là tự tử từ từ!

Theo TBKTSG