Số liệu trên được đưa ra tại buổi Báo cáo công tác năm 2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, vốn tín dụng chính sách tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh có dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng biên giới và hải đảo, cho vay khắc phục thiên tai, cho vay các chương trình tín dụng mới…
Đến hết ngày 31-12-2016, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 162.380 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2015. Trong đó, nguồn vốn huy động tiền gửi thông qua Tổ TK&VV đạt 5.436 tỷ đồng, tăng 1.178 tỷ đồng so với năm 2015; nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 6.783 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng nguồn vốn, tăng 1.888 tỷ đồng so với năm 2015...
Doanh số cho vay trong năm 2016 đạt 55.150 tỷ đồng, tăng 5.953 tỷ đồng so với năm 2015, với trên 2,297 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 40.127 tỷ đồng, tăng 4.061 tỷ đồng so với năm 2015 và bằng 73% doanh số cho vay.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/12/2016 đạt 157.372 tỷ đồng, tăng 14.844 tỷ đồng so với thực hiện năm 2015, với trên 6,784 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 493.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 171.000 lao động, trong đó có trên 2.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 74.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 1,3 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; gần 21.000 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có gần 5.500 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung…