|
Năm 2016, người tiêu dùng phải trả tiền điện nhiều hơn? |
Điệp khúc bù lỗ
Theo công bố của EVN, việc điều chỉnh tỷ giá đã khiến chi phí của tập đoàn này tăng khoảng 12.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỷ là khoản phải thanh toán ngay trong năm 2015.
Chỉ riêng chi phí mua USD trả nợ nước ngoài đã tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng, còn 1.800 tỷ đồng là chi phí cho các nhà máy điện chạy bằng khí. Hiện, khoản lỗ 2.000 tỷ đồng này sẽ được đưa vào chi phí sản xuất điện, đồng thời EVN cũng sẽ đốc thúc các đơn vị sản xuất tăng sản lượng và huy động tối đa công suất để lấy lợi nhuận bù vào.
Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, giá khí được tính bằng USD, trong khi đó số tiền bỏ ra để mua khí phải quy đổi thành giá điện tương ứng nên khi USD tăng giá sẽ khiến khoản chênh lệch tăng theo. Chưa kể, còn khoản 10.000 tỷ đồng vốn vay dài hạn (10-13 năm), EVN cũng đã kiến nghị để Chính phủ phân bổ dần.
Trước đó vào tháng 10, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, cùng với việc Mỹ có nhiều khả năng tăng lãi suất đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải nới biên độ lãi suất từ 1% lên 3% và tăng tỷ giá bình quân lên 21.890 đồng/USD.
Ở một diễn biến khác, thực hiện lộ trình giá điện tiến tới giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhằm đảm bảo giá bán điện không thấp hơn giá thành, Bộ Công Thương cũng cho biết dự kiến năm 2016 sẽ có điều chỉnh giá điện.
Theo Bộ Công Thương, giá bán điện phải được tính đúng, tính đủ mọi chi phí của ngành điện, ngành điện có thể thu hồi được vốn và có lãi hợp lý. Tuy nhiên, về khía cạnh quản lý Nhà nước, bên cạnh việc điều chỉnh giá điện tiệm cận theo giá thị trường, Nhà nước cũng sẽ có chính sách giá điện riêng cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, với sự hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Cùng với việc thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường, tiến tới xã hội hoá các khâu từ phát điện và truyền tải phân phối đến bán lẻ, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đã có chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư theo các hình thức như BOT.
Tăng vì CPI?
Trong cuộc họp công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Tổng cục Thống kê tổng kết năm 2015 vừa tổ chức, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số CPI cả năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm qua và thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 5% mà Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
CPI năm nay tăng thấp, theo ông Lâm là do giá của các mặt hàng năng lượng đã giảm mạnh, trong đó có giá dầu thô trên thế giới. Điều này đã tác động trực tiếp và gián tiếp khiến cho nhiều nhóm hàng trong nhóm hàng hóa tính CPI giảm mạnh, khiến chỉ số CPI giảm khoảng 1,2%.
Với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp như vậy, nhiều người lo ngại giá điện được điều chỉnh tăng để giảm tốc sự sụt giảm của chỉ số này. Và điều đó được nhiều chuyên gia nhận định như một giải pháp khá thực tế.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, ngày 16/3/2015, giá điện tăng thêm 7,5% đã tác động đến CPI khoảng 0,19%. Nhiều khả năng, giá điện sẽ được Chính phủ cân nhắc, tính toán để điều chỉnh tăng trong năm 2016. Nếu giá điện tăng thêm 10% - 15% sẽ tác động CPI chung khoảng 0,25% - 0,4%.
Tăng bao nhiêu ?
Đáng lưu ý, theo nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện được Thủ tướng phê duyệt, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng. Trường hợp các thông số đầu vào thay đổi thì EVN sẽ được phép tăng tới 7% mà không cần xin phép Bộ Công Thương hay Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tỷ giá là một trong những yếu tố đầu vào để EVN có đủ lý do chính đáng tiếp tục tăng giá điện.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Kinh tế Hà Nội) nói: “Theo ước tính sơ bộ của tôi, nếu tỷ giá tăng 3% thì giá điện điều chỉnh khoảng 1% là vừa. Ước tính trên là dựa theo giả định cơ cấu giá thành điện có 30% chi phí từ nguyên liệu, máy móc nhập khẩu. Trường hợp này, nếu nhà đèn đòi tăng trên 2 hoặc 3% thì không hợp lý”.
Thời gian vừa qua, không ít lần EVN có đề xuất tăng giá điện, thay đổi cách tính giá điện khiến dân tình "nhấp nhổm" không yên. Sau nhiều lần trì hoãn, đầu năm 2016, EVN có rất nhiều lý do để tăng giá điện thêm một lần nữa.
Năm 2011, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 2 lần. Năm 2012, giá bán điện bình quân được điều chỉnh 2 lần, mỗi lần tăng thêm 5%. Năm 2013, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 5%. Năm 2014, giá điện bình quân này được giữ ổn định. Năm 2015, giá bán điện tăng một lần.
Theo GĐXH