Năm 2015 tiền lương khu vực DN nhà nước vẫn cao nhất

Theo báo cáo mới công bố về tiền lương và thu nhập năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tiền lương của khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn dẫn đầu, cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo Bộ LĐTBXH, tiền lương tháng bình quân năm 2015 ước đạt 5,53 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với năm 2014. Ảnh TL
Theo Bộ LĐTBXH, tiền lương tháng bình quân năm 2015 ước đạt 5,53 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với năm 2014. Ảnh TL

Kết quả điều tra tiền lương tại 2.000 doanh nghiệp do Bộ LĐTBXH thực hiện tại ba loại hình doanh nghiệp gồm 100% vốn Nhà nước (DNNN), doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân cho thấy, tiền lương và thu nhập năm 2015 của cả 3 khối tăng khá so với năm 2014.

Theo đó, tiền lương tháng bình quân năm 2015 ước đạt 5,53 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với năm 2014, trong đó DNNN dẫn đầu với mức lương trả cho người lao động là 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8% so với năm 2014. Tiếp đến là doanh nghiệp FDI đạt 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 9% so với năm 2014, và cuối cùng là doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2014.

Xét theo tổng thu nhập năm 2015, Bộ LĐTBXH ước tính mức bình quân của lao động đạt thu nhập 5,91 triệu đồng/người/tháng , tăng khoảng 7% so với năm 2014, trong đó DNNN vẫn dẫn đầu về mức chi trả thu nhập cho người lao động, đạt 7,59 triệu đồng/tháng, tăng 7% so với năm 2014. Tiếp đến là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân, lần lượt đạt 5,89 triệu đồng/tháng (tăng 9%) và 5,33 triệu đồng/tháng (tăng 6%).

Doanh nghiệp nhà nước có mức lương dẫn đầu trong các khối doanh nghiệp không phải là chuyện mới, nhưng nhiều người hoài nghi và đặt câu hỏi tại sao những lao động làm việc trong khu vực nhà nước vẫn thường “than” là đang sống với mức lương chết đói.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nói rằng từ trước tới nay, thu nhập trong DNNN và doanh nghiệp FDI luôn cao nhất, thậm chí trong những năm gần đây, thu nhập trong DNNN còn vượt cả FDI. Điều này là do các DNNN thường có quy mô lớn.

“Trong nền kinh tế của chúng ta, 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 3% còn lại tập trung nhiều vào DNNN và theo nguyên tắc khu vực kinh tế quy mô thì tiền lương phải cao hơn, dù chúng ta vẫn cho rằng DNNN không hoạt động có hiệu quả,” bà Hương nói.

Bên cạnh đó, nếu xem về phân bố nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, khu vực DNNN bao giờ cũng có tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hơn nên tiền lương khu vực này cũng phản ánh tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

Song, bà Hương cũng thừa nhận, có được mức lương cao như vậy cũng là do sự độc quyền của khu vực DNNN, do đó, mô hình tiền lương trong DNNN là mô hình tiền lương độc quyền, có nghĩa tiền lương vẫn tăng nhưng chưa chắc hiệu quả kinh tế sẽ tăng cao, và điều này sẽ gây ra sự méo mó thị trường lao động.

Theo TBKTSG