Trong đó có nhiều đề án lớn như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí (sửa đổi), Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020...
Trên cơ sở các đề án do Bộ TT&TT tham mưu và xây dựng, năm 2015, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và thông qua 18 đề án, gồm: Luật An toàn thông tin mạng, 02 nghị quyết và 01 nghị định của Chính phủ, 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với 424/425 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật An toàn thông tin mạng gồm 8 chương, 54 điều quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng. Việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin mạng theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các quy định trong lĩnh vực này; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin; tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng. Luật An toàn thông tin mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.
Thực hiện Nghị quyết số 70/2014/QH13 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999. Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí được thể hiện ở các văn bản: Chỉ thị số 22-CT/TW, Thông báo số 162-TB/TW, Thông báo số 41-TB/TW, Thông báo số 68-TB/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác tinh thần và quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về báo chí, trên cơ sở pháp điển hóa những quy định pháp luật về báo chí hiện hành; bảo đảm tính khả thi của các quy định pháp luật về báo chí trong điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và hoạt động báo chí ở Việt Nam. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã được Chính phủ trình lên Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII và dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong năm 2016.
Thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Bộ TT&TT được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng viễn thông, internet; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí trong tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã có kết luận về Đề án. Chính phủ đã có chỉ đạo tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2015 (Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/6/2015) giao Bộ TT&TT tổ chức triển khai.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Theo đó, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW đề ra, gồm: Đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại; ứng dụng CNTT rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao; phát triển công nghiệp CNTT, kinh tế tri thức; phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng lực quản lý các mạng viễn thông, truyền hình, Internet; tăng cường hợp tác quốc tế.
Ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Chương trình nhằm cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính trong một năm; ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động. Đồng thời phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên quy mô quốc gia, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Ngày 24/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 thay thế Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mọi người dân được hỗ trợ sử dụng miễn giá cước các dịch vụ viễn thông khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định; sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng của Chương trình theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước được hỗ trợ sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích nếu đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông; ngoài ra, còn được hỗ trợ thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền hình quảng bá công nghệ số. Ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển được hỗ trợ sử dụng miễn giá cước dịch vụ viễn thông di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải; sử dụng dịch vụ viễn thông di động hàng hải (điện thoại HF, VHF) qua hệ thống đài thông tin duyên hải theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích. Các trường học, bệnh viện, UBND cấp xã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích. Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là 11.000 tỷ đồng, được đảm bảo từ nguồn thu của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Ngày 16/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó quy định dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ được nhà nước hỗ trợ cung ứng theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng. Trong điều kiện nhà nước không còn trợ cấp trực tiếp bằng tiền cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đã nảy sinh những bất cập, không thực hiện được các quy định của Nghị định số 130/2013/NĐ-CP. Với sự cần thiết đó, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2015/QĐ-TTg ngày 24/9/2015 về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí (thay thế Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg).
Bên cạnh việc xây dựng các đề án trình Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đã tích cực chỉ đạo công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành theo thẩm quyền nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy ngành TT&TT phát triển.
Theo MIC