Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao tên lửa phòng không S-400 cho Ukraine, Ankara im lặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, Mỹ đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 do Nga chế tạo, tuy nhiên dư luận cho rằng ý đồ này khó khả thi.
Hệ thống tên lửa pháp luật S-400 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: kknews).
Hệ thống tên lửa pháp luật S-400 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: kknews).

Hãng tin Anh Reuters ngày 19/3 đưa tin, dẫn nguồn từ nhiều người quen thuộc với vấn đề này: Mỹ đã đề nghị một cách không chính thức với Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuyển giao các tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất mà Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu cho Ukraine. Các quan chức Mỹ đã đưa ra đề xuất với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng qua, nhưng không đưa ra yêu cầu cụ thể hoặc chính thức. Reuters cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ "khó có thể" đồng ý với đề xuất này.

Trên thực tế, Mỹ trong vài năm qua đã nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ các tên lửa này và cũng đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về việc này.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Windy Sherman cũng đã gợi ý ngắn gọn về ý tưởng này khi đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng này.

Vào ngày 5/3, bà Sherman nói với hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Haberturk: “Tôi nghĩ mọi người đều biết rằng S-400 là một vấn đề đã bị treo từ lâu và bây giờ là lúc đặt vấn đề này theo một cách hoàn toàn mới để giải quyết."

Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận gì về yêu cầu chuyển giao S-400 cho Ukraine của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận gì về yêu cầu chuyển giao S-400 cho Ukraine của Mỹ (Ảnh: Reuters).

Bà Sherman không nói rõ "cách mới" này là gì, và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như Nhà Trắng đều không trả lời các câu hỏi từ bên ngoài cũng như không giải thích những lời lẽ úp mở này của bà Sherman.

Các quan chức Bộ Ngoại giao và các quan chức chính phủ khác của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa lên tiếng bình luận gì về đề xuất của Mỹ.

Các nguồn tin và các nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đề xuất như vậy là không khả thi đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì Ukraine gặp phải các rào cản kỹ thuật trong việc triển khai và vận hành hệ thống S-400. Đồng thời, cũng có những lo ngại về chính trị, chẳng hạn như chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với sự phản kích của Nga, v.v.

Theo Reuters, trên thực tế, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ được Nga bàn giao những tên lửa đất đối không đầu tiên này vào tháng 7/2019, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ những tên lửa này. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và loại bỏ quốc gia thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Một trận địa S-400 của Nga (Ảnh: Reuters).

Một trận địa S-400 của Nga (Ảnh: Reuters).

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ "buộc phải lựa chọn" S-400 vì các đồng minh NATO không cung cấp vũ khí với các điều kiện khiến họ hài lòng.

Theo Reuters, các quan chức Mỹ đang muốn nắm bắt thời điểm xung đột Nga-Ukraine để "kéo Ankara trở lại quỹ đạo của Washington". Các nguồn tin của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai bên đã tăng cường các bước đi trong những tuần gần đây để tìm kiếm những phương thức "mang tính sáng tạo" nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có đề xuất cụ thể nào nhận được sự ủng hộ.

Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát hai eo biển quan trọng nối Địa Trung Hải và Biển Đen, đồng thời có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Sau khi cuộc xung đột quân sự toàn diện giữa Nga và Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ luôn nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa Nga, Ukraine và thế giới.

Máy bay không người lái TB2 được Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Ukraine (Ảnh: Sohu).

Máy bay không người lái TB2 được Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Ukraine (Ảnh: Sohu).

Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 2 đã chính thức xác định xung đột Nga-Ukraine là “chiến tranh”. Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có thể áp đặt các hạn chế đối với việc đi qua các eo biển Dardanelles và Bosphorus, hai tuyến đường hàng hải quan trọng bất cứ lúc nào. Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine, gọi hành động của Nga là “xâm lược”, "không thể chấp nhận được".

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, và Tổng thống Erdogan trong tháng qua đã tích cực làm trung gian hòa giải.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cẩn thận lựa chọn cách dùng ngôn từ để không chọc giận Moscow, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Nga về năng lượng, quốc phòng và du lịch; tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bán máy bay không người lái quân sự Bayraktar TB2 cho Kiev và thậm chí ký hợp đồng sản xuất chung máy bay không người lái với Ukraine, v.v., khiến Nga rất không hài lòng.

Các chuyên gia kỹ thuật Thổ Nhĩ Kỳ hướng dẫn thao tác điều khiển TB2 cho binh sĩ Ukraine (Ảnh: Sohu).

Các chuyên gia kỹ thuật Thổ Nhĩ Kỳ hướng dẫn thao tác điều khiển TB2 cho binh sĩ Ukraine (Ảnh: Sohu).

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bán máy bay không người lái quân sự TB2 cho Ukraine vào năm 2019 và Ukraine đã sử dụng loại máy bay này để chống lại phe ly khai thân Nga đòi độc lập ở khu vực Donbass - một động thái mà Nga gọi là gây bất ổn.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu khi bình luận về thương vụ này giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đặt ra điều kiện tiên quyết để bán máy bay không người lái cho Ukraine, và vụ giao dịch này không nhằm vào Nga.

Các máy bay không người lái TB2 này có giá dưới 2 triệu USD mỗi chiếc. Được biết nhà sản xuất chúng là Công ty quốc phòng Baykar thuộc gia đình Selcuk Bayraktar - con rể của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Selcuk Bayraktar chính là giám đốc kỹ thuật của Công ty.

Ông Aaron Stein, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), một tổ chức tư vấn, nói rằng "Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến đến ‘bên bờ vực thẳm' và nếu họ chuyển giao các tên lửa phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất (cho Ukraine) chắc chắn sẽ khiến Nga nổi giận... Tuy nhiên, đối với ông Erdogan, S-400 đã trở thành biểu tượng của chủ quyền Thổ Nhĩ Kỳ, nên việc từ bỏ nó cũng không phải là điều tốt."

UAV TB2 được trang bị các vũ khí không đối đất hiện đại (Ảnh: Sohu).

UAV TB2 được trang bị các vũ khí không đối đất hiện đại (Ảnh: Sohu).

Cuối năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các quan chức Nga đã ký một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD về việc chuyển giao hệ thống phòng không tầm xa S-400. Khi đó Ngoại trưởng Mỹ đã lên tiếng phản đối thỏa thuận nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kiên quyết từ chối hủy bỏ thỏa thuận này.

Vào ngày 12/7/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô hàng của hệ thống phòng không S-400 đầu tiên. Ngày 17/7, Mỹ đã đình chỉ việc giao máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 23/8/2020, Nga đã ký hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 thứ hai. Ngày 23/10/2020, Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thử nghiệm S-400, hiện các trung đoàn tên lửa phòng không S-400 đã được Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai sẵn sàng chiến đấu.