|
Mỹ vô tình giúp Trung Quốc cải thiện ngành bán dẫn |
Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC), xưởng đúc bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc, hồi đầu tháng 10 cho biết Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã gửi thư cho các nhà cung ứng tại Mỹ và yêu cầu họ tuân thủ lệnh hạn chế xuất khẩu bổ sung. Bộ Thương mại Mỹ chưa đưa SMIC vào danh sách đen, nhưng biện pháp hạn chế cho thấy nhà sản xuất này đang trở thành mục tiêu tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Chính quyền Trump đang phát thông điệp rất rõ ràng, yêu cầu các nhà cung ứng Mỹ xin giấy phép trước khi bán công nghệ cho SMIC. Mỹ muốn kiềm chế những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn nói riêng và toàn ngành công nghệ nói chung. Những động thái công kích này đã đạt được ba mục tiêu cùng lúc.
Đầu tiên là phá hỏng tham vọng sản xuất những loại chip hiện đại dùng tiến trình 14 nm và 7 nm của SMIC. Hãng bán dẫn Trung Quốc trước đó đã lên kế hoạch đẩy mạnh dây chuyền 14 nm FinFET và tăng tốc nghiên cứu tiến trình 7 nm. Giờ đây, SMIC gần như không thể phát triển các công nghệ hiện đại, bao gồm chế tạo chip 7 và 14 nm, vì các nhà cung ứng chủ chốt của Mỹ đã bị cấm làm ăn với họ.
|
Sản phẩm trưng bày ở Hội thảo Bán dẫn Thế giới ở Nam Kinh hôm 27/8. Ảnh: AP. |
Những biện pháp mới của Mỹ cũng xóa bỏ tia hy vọng cuối cùng của Huawei về tìm kiếm nhà sản xuất chip theo thiết kế riêng của hãng. SMIC không thể hợp tác với Huawei theo lệnh cấm bán linh kiện dùng công nghệ Mỹ cho hãng viễn thông Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng SMIC sẽ có cách lách luật nếu làm chủ được công nghệ 14 và 7 nm. Dù vậy, triển vọng này vẫn quá xa vời, nhất là trong bối cảnh tương lai của SMIC chưa rõ ràng.
Cuối cùng, yêu cầu giấy phép đã làm chậm đáng kể đà phát triển của toàn ngành bán dẫn Trung Quốc. Các xưởng đúc chip giống mỏ neo hỗ trợ, kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng từ thiết bị, nguyên vật liệu, phần mềm thiết kế, cơ sở thiết kế mạch tích hợp đến người dùng cuối. Nếu SMIC không thể phát triển dây chuyền công nghệ, những mảng liên quan cũng không thể tiến bộ. Xưởng đúc chip lớn thứ hai của Trung Quốc là Shanghai Hua Hong Group chỉ có quy mô bằng một nửa và công nghệ đang thua kém SMIC nhiều thế hệ.
Sự thống trị trên thị trường và ưu thế công nghệ bán dẫn của Mỹ giúp nước này bảo đảm vững chắc khả năng kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu lớn nhất của chính quyền Trump hiện tại là duy trì, thậm chí là khiến Trung Quốc ngày càng phục thuộc vào nguồn cung chip của Mỹ.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ bán dẫn lớn nhất thế giới. Intel và AMD đã xin được giấy phép cung cấp chip cho Huawei, Qualcomm cũng có thể sớm theo chân hai người khổng lồ ngành bán dẫn Mỹ. Các biện pháp cấm xuất khẩu và danh sách đen dường như chỉ nhằm củng cố sự thống trị của các hãng chip Mỹ trên thị trường Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục mua sản phẩm của Mỹ, nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai gần. Những biện pháp hạn chế đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nước này đồng lòng kêu gọi phát triển giải pháp nội địa nhằm thay thế chip ngoại nhập.
"Chính sách của Trump đang là động lực kích thích lớn nhất cho ngành bán dẫn Trung Quốc, giúp đạt được những điều mà chính sách công nghiệp và hàng tỷ USD đầu tư nội địa không làm được", một nguồn tin giấu tên trong ngành công nghệ nước này cho hay.
Nhu cầu về sản phẩm nội địa của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong năm nay với việc Huawei xây nhà máy đúc chip không sử dụng công nghệ Mỹ. Dây chuyền 45 nm dự kiến sẵn sàng hoạt động từ cuối năm 2020, trong khi dây chuyền 28 nm sẽ ra mắt trong năm sau.
Nhiều nhà đầu tư cũng đang đặt cược vào những công ty liên quan tới ngành bán dẫn nội địa Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị, vật liệu và phần mềm. Các thỏa thuận đầu tư đã tăng 200% so với năm ngoái, đạt gần 9 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2020. Con số này có thể tăng lên 14,9 tỷ USD vào cuối năm, cao gấp 3 lần tổng mức đầu tư trong năm ngoái.
Nguồn tiền, nhân lực và thị trường chip lớn nhất thế giới là động lực thúc đẩy Trung Quốc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa. Đây sẽ là thiệt hại lớn nhất với ngành bán dẫn Mỹ, khiến họ đánh mất vị trí thống trị thị trường. Chính quyền Mỹ hiểu rõ điều này, nhưng các chính sách ưu tiên ngắn hạn sẽ đề cao lợi ích chớp nhoáng và không gì khác.
Nỗ lực sản xuất nội địa của Trung Quốc vẫn phải vượt qua nhiều trở ngại lớn. Đã có hàng loạt dự án thất bại, tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư. Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ gây hại cho nhiều bên, không chỉ giới hạn ở Mỹ và Trung Quốc, giới chuyên gia cảnh báo.
Theo VnExpress