Chính thức ban hành lệnh cấm dưới dạng công thư
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương đêm 26/9, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ ngày 25/9 theo giờ địa phương đã công bố quyết định thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Công ty Bán dẫn Quốc tế Trung Quốc (SMIC) cùng các công ty con và liên doanh. Các đối tượng bị BIS đưa vào diện kiểm soát xuất khẩu bao gồm các công ty: SMIC (Thượng Hải), SMIC (Bắc Kinh), SMIC (Thiên Tân), SMIC (Ninh Ba), SMIC (Thâm Quyến), Công ty SMIC Nam Trung Quốc (SMSC), LFoundry (Italy) và Công ty Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Tiên tiến SMIC (Thượng Hải).
Mục 744.21 của Quy định kiểm soát xuất khẩu (EAR) mới được chính phủ Mỹ sửa đổi và ban hành vào tháng 4 năm nay đã mở rộng các hạn chế đối với mục đích sử dụng cuối cùng cho quân sự và người dùng cuối là giới quân sự; đồng thời hủy bỏ một số ngoại lệ đối với việc cấp giấy phép cho người dùng cuối dân sự. Mục đích của việc này nhằm để phòng các quốc gia như Venezuela, Trung Quốc và Nga thông qua chuỗi cung ứng dân sự có được công nghệ và thiết bị của Mỹ để phát triển vũ khí, máy bay quân sự hoặc công nghệ giám sát, sau đó sử dụng chúng cho mục đích quân sự hoặc người dùng cuối quân sự.
Công thư của BIS thông báo quyết định đưa SMIC vào danh sách bị quản chế xuất khẩu (Ảnh: WSJ).
|
Văn bản của BIS chỉ ra rằng việc xuất khẩu sang SMIC hoặc các công ty con của SMIC, tái xuất khẩu hoặc chuyển nhượng trong nội địa Trung Quốc đều phải chịu sự điều chỉnh của các quy định kiểm soát xuất khẩu mới được sửa đổi do chính phủ Mỹ ban hành và phải nộp đơn xin cấp phép riêng biệt từng loại.
Theo Wall Street Journal (WSJ), Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra yêu cầu này trong một bức công thư gửi ngành công nghiệp chip máy tính vào thứ Sáu (25/9) theo giờ Washington. Theo bản sao của bức thư mà WSJ có được, Bộ Thương mại Mỹ đã nêu trong thư rằng hàng xuất khẩu cho SMIC hoặc các công ty con của nó “có thể gây ra rủi ro không thể chấp nhận được, đó là cuối cùng chúng sẽ được chuyển đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dùng cho mục đích quân sự”.
Tờ Financial Times của Anh cũng đã có được một bản sao của bức thư này. Theo báo này, động thái này có thể cắt đứt việc SMIC có được các thiết bị sản xuất chip và phần mềm quan trọng của Mỹ.
Các công ty Mỹ là nhà cung cấp chính các loại thiết bị này. SMIC được hỗ trợ bởi nhiều đơn vị thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc và là hạt nhân trong việc thúc đẩy các công nghệ tiên tiến độc lập (chẳng hạn như chip) của Bắc Kinh. Các công ty Mỹ giờ đây cần phải có giấy phép mới có thể xuất khẩu các sản phẩm này cho SMIC.
SMIC Thiên Tân, một công ty con của SMIC bị đưa vào danh sách quản chế xuất khẩu của Mộ Thương mại Mỹ (Ảnh: Sina).
|
Theo trang web tài chính Trung Quốc finance.17ok.com ngày 27/9, người phát ngôn của SMIC cho biết hôm thứ Bảy (26/9), SMIC chưa nhận được thông báo chính thức từ chính phủ Mỹ, đồng thời phủ nhận mọi mối quan hệ với quân đội Trung Quốc và tuyên bố rằng công ty này không sản xuất các sản phẩm cho quân đội Trung Quốc. Người này nói: “Chúng tôi tiếp tục có các tiếp xúc mang tính xây dựng và cởi mở với Bộ Thương mại Mỹ”.
Chính quyền Donald Trump lo ngại về việc SMIC tham gia vào việc xây dựng quân đội Trung Quốc
Với việc Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình, SMIC đã trở thành một “doanh nghiệp vô địch quốc gia”. Vào đầu năm nay nó đã huy động được 7,6 tỷ USD tại Thượng Hải, công ty đã trở thành IPO trong nước lớn nhất trong một thập kỷ qua.
Chính phủ của Tổng thống Trump trong những tuần gần đây đã xem xét liệu có nên áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với SMIC hay không. Đầu tháng 9, Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng các cơ quan của Mỹ đang thảo luận về việc có nên đưa SMIC vào danh sách các thực thể bị cấm (Entity List) của Bộ Thương mại hay không. Động thái này sẽ yêu cầu một số nhà cung cấp phải xin giấy phép mới được bán hàng cho SMIC.
Việc SMIC bị quản chế xuất khẩu sẽ giáng đòn mạnh vào công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei (Ảnh: AFP).
|
Tờ WSJ dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng các vấn đề đang được thảo luận bao gồm liệu SMIC có hỗ trợ cho các cơ sở quốc phòng của Trung Quốc hay không. Chính phủ của ông Trump ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh dựa vào các công ty tư nhân để thúc đẩy các mục đích quân sự của họ. Cách làm này được gọi là “kết hợp quân sự - dân sự”.
Bản tin của WSJ ngày 7/9 dẫn các nguồn thạo tin cho biết báo cáo nghiên cứu do nhà thầu quốc phòng Mỹ SOS International công bố đã gióng lên hồi chuông báo động cho chính phủ Mỹ. Theo báo cáo, SMIC đang hợp tác với một tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu của các trường đại học Trung Quốc có bối cảnh quân sự phát triển các công nghệ tương ứng phù hợp với yêu cầu sản phẩm của SMIC. Một trong những trường đại học này đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen xuất khẩu vào năm 2015 vì cáo buộc thiết kế chip siêu máy tính dùng để mô phỏng các vụ thử hạt nhân.
Báo cáo cũng trích dẫn các luận văn do Đại học Quốc phòng Trung Quốc xuất bản để chứng minh cho những kết luận này.
SMIC bị cấm sẽ khiến tình trạng khó khăn của ngành công nghiệp chip Trung Quốc càng tồi tệ hơn (Ảnh: DPA).
|
Tình hình ngành chip Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn
Chính phủ của ông Trump đã mở rộng mạnh mẽ việc quản chế xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc, hàng chục công ty Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách các thực thể quản chế xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ, trong đó có gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Lệnh cấm mới nhất của Mỹ đối với Huawei cấm xuất khẩu bất kỳ con chip nào được sản xuất bằng thiết bị và công nghệ của Mỹ cho Huawei, đã giáng đòn nghiêm trọng cho Huawei, đồng thời đánh mạnh vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Huawei sử dụng công ty con HiSilicon để thiết kế chip cho các sản phẩm của mình, nhưng những con chip được họ thiết kế này thực tế lại do TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới chế tạo. Nhưng lệnh cấm của Mỹ đã cấm triệt để TSMC sản xuất chip do HiSilicon thiết kế.
Các thông tin trước đây đã phân tích rằng theo thống kê của Credit Suisse, khoảng 40% nhà sản xuất chip toàn cầu sử dụng thiết bị của các công ty Mỹ như Applied Materials và Lam Research; có tới 85% sử dụng phần mềm của các công ty Mỹ như Cadence, Synopsys và Mentor. Nói cách khác, gần như không thể tìm được một nhà sản xuất chip nào có thể hợp tác với Huawei.
Giờ đây, nếu nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng không thể có được phần mềm và thiết bị sản xuất chip của Mỹ do lệnh trừng phạt, điều này sẽ mang lại tác động lớn hơn cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.