|
(ảnh CNN) |
Động thái mới của Mỹ có nguy cơ làm gia tăng các biện pháp ăn miếng trả miếng từ Bắc Kinh khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tranh giành vị thế ảnh hưởng trên toàn cầu, mặc dù họ đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào đầu năm nay. Cuộc chiến đó đã tác động đến mọi lĩnh vực từ sản xuất, chuỗi cung ứng, mạng di động 5G cho đến vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế.
Hai quan chức Bộ ngoại giao Mỹ nói với phóng viên Bloomberg rằng kể từ ngày 13/3, bốn cơ quan truyền thông thường trú của Trung Quốc chỉ được phép có tổng cộng 100 người, giảm 40% so với hiện tại. Hai quan chức trên nhấn mạnh rằng đây là yêu cầu cắt giảm chứ không phải sự trục xuất. Với yêu cầu này, khoảng 60 người Trung Quốc làm việc tại 4 cơ quan gần như chắc chắn phải rời khỏi Mỹ.
“Không giống như các cơ quan truyền thông nước ngoài tại Trung Quốc, 4 cơ quan truyền thông nói trên không phải là những đơn vị tin tức độc lập. Như chúng tôi đã thực hiện trong các lĩnh vực khác của mối quan hệ Mỹ - Trung, chúng tôi muốn thiết lập một sân chơi công bằng lâu dài”, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên bên lề một cuộc họp báo chính thức.
Các cơ quan truyền thông bị ảnh hưởng là Tân Hoa Xã, mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Công ty Phát hành tờ China Daily. Ngoài ra, công ty Hải Thiên – tổng phát hành của tờ Nhân dân Nhật báo Hải ngoại cũng nằm trong danh sách nhưng có lẽ công ty này không phải cắt giảm nhân sự vì chỉ có 2 nhân viên trong biên chế.
Việc hạn chế của chính quyền Trump được cho là động thái “có đi có lại” với phía Trung Quốc như những gì các quan chức Mỹ đã nói – cách mà Trung Quốc và Mỹ đối xử với các nhà báo của nhau. Trung Quốc hiện chỉ cho phép khoảng 100 phóng viên Mỹ ở nước này và đã hạn chế nghiêm ngặt số lượng visa mà họ cấp cho phóng viên nước ngoài.
Nhiều hạn chế hơn có thể sớm được ban hành. Một quan chức cao cấp khác của Mỹ cho biết nước này có kế hoạch hạn chế thời gian phóng viên Trung Quốc được phép ở lại Mỹ. Điều này cũng tương tự như phía Trung Quốc khi chỉ cấp visa với thời hạn 30 ngày cho phóng viên nước ngoài và muốn ở lại họ sẽ phải xin gia hạn.
Chính quyền Mỹ bắt đầu xem xét nghiêm túc việc “đối xử” với phóng viên Đại lục sau khi Trung Quốc tháng trước đã trục xuất 3 phóng viên của tờ Wall Street Journal – hai người Mỹ và một người Úc – sau khi nói rằng tờ báo này đã không đưa ra lời xin lỗi về một bài viết kỳ thị chủng tộc.
Wall Street Journal khi đó cũng đã có những động thái bảo vệ phóng viên của mình. Tờ báo này nói rằng, cũng giống như các đơn vị truyền thông Mỹ khác, Wall Street Journal luôn đặt sự trung thực của tin tức lên trên nhận định của phóng viên.
Động thái ngày hôm qua của chính quyền Trump là kết quả trực tiếp từ quyết định của Bộ Ngoại giao vào tháng trước khi chỉ định Tân Hoa Xã và 4 cơ quan truyền thông Trung Quốc khác là các cơ quan nước ngoài. Điều đó có nghĩa là nhân viên của họ được coi là nhân viên chính phủ nước ngoài chứ không phải là nhà báo.
Việc cắt giảm nhân sự áp dụng cho bất kỳ công dân Trung Quốc nào làm việc cho các cơ quan truyền thông nói trên, cho dù họ là phóng viên, quản lý hay kỹ thuật viên. Các cơ quan này vẫn có thể thuê nhiều người Mỹ như họ muốn.
Khi được hỏi về hành động này của Bộ Ngoại giao Mỹ, Hiệp hội báo chí nước ngoài – đại diện cho các nhà báo nước ngoài làm việc tại Mỹ - nói rằng việc trả đũa của Mỹ sẽ phản tác dụng và làm tổn hại đến các nguyên tắc của Tu chính thứ nhất trong Hiến pháp Hoa Kỳ vốn bảo vệ cho sự toàn vẹn của nền báo chí.
Theo Bloomberg