Ngày 28/1, người phát ngôn của Hạm đội Bảy Hoa Kỳ Joe Keilley nói với phóng viên The Japan Times, tàu chiến đấu ven biển USS Montgomery hôm 25/1 đã thực thi quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải này bảo vệ quyền lợi biển, tự do và sử dụng hợp pháp đại dương; tuyên bố hoạt động này nhằm thách thức những hạn chế đối với “sự di chuyển vô hại” của Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ thực hiện hành động “Tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông sau khi bước vào năm 2020.
Người phát ngôn của Hạm đội thứ bảy Joe Keilley nhấn mạnh rằng “Tự do hoạt động hàng hải” (FONOP) là một phần trong các hoạt động thường ngày của quân đội Mỹ ở Biển Đông. Nhiệm vụ này được thực hiện một cách hòa bình và Mỹ không thiên vị hay nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
Các chiến hạm lớp Aegic trong cụm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) (Ảnh: Đông Phương)
|
Mỹ đã từng cáo buộc Trung Quốc triển khai thiết bị gây nhiễu và tên lửa ở quần đảo Trường Sa, trong khi tàu chiến đấu gần bờ Giffords hồi tháng 11/2019 đã đi vào bên trong vùng nước phạm vi 12 hải lý của rạn san hô Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng trái phép.
Aircraft Spots, một tài khoản mạng xã hội theo dõi sự di chuyển của máy bay quân đội Mỹ, cho biết một máy bay trinh sát EP-3E của quân đội Mỹ hôm thứ Ba (28/1) đã bay từ căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản đến Biển Đông, sau đó quay trở lại căn cứ qua eo biển Basi ở phía nam Đài Loan.
Lý Hoa Mẫn, người phát ngôn của Chiến khu miền Nam (hay Bộ Tư lệnh Chiến trường miền Nam) PLA, tuyên bố tàu USS Montgomery đã “tự ý xâm nhập vùng biển gần quần đảo Nam Sa” (tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam); các lực lượng của Chiến khu miền Nam đã bám sát, theo dõi, xác định và cảnh cáo xua đuổi các tàu chiến của Mỹ trong toàn bộ quá trình.
Lý Hoa Mẫn chỉ trích sự khiêu khích có chủ ý của quân đội Mỹ trong dịp Tết truyền thống của Trung Quốc là một “hành động bá quyền trần trụi”. Ông ta cho rằng, “dù phía Mỹ hành động khiêu khích với chiêu trò biến hóa như thế nào cũng đều vô ích”; rằng “các lực lượng Chiến khu miền Nam sẽ luôn cảnh giác cao độ và thực hiện mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia kiên quyết giữ gìn tình hình hòa bình ổn định của vùng biển Nam Hải” (tên Trung Quốc gọi Biển Đông).
Cụm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71) đã vào Tây Thái Bình Dương (Ảnh: Đông Phương)
|
Ở phía bên kia, nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71) khởi hành từ San Diego, California trong tháng này, hiện đang nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương thuộc quyền quản lý của Hạm đội Bảy. Giới quan sát quốc tế tin rằng việc triển khai này nhằm vào Trung Quốc và Triều Tiên. Nhóm chiến đấu bao gồm các tàu tuần dương lớp Aegis Bunker Hill (CG-52), các tàu khu trục lớp Aegis Russell (DDG-59), Hamilton (DDG-60), Pinkerney (DDG-91), USS Kidd (DDG-100) và Rafael Peralta (DDG-115). Trong đó, tàu Pinkerney (DDG-91) được trang bị hệ thống Aegis Combat System thế hệ thứ 7 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa. Lần cuối cùng nhóm tác chiến tàu sân bay Roosevelt được triển khai ra biển là từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018.
Theo thông lệ trước đây, biên đội tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71) sẽ hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương ít nhất nửa năm. Điều đó có nghĩa là biên đội tàu USS Theodore Roosevelt (CVN-71) trong năm 2020 sẽ thực hiện cuộc diễn tập tay đôi với biên đội tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) ở vùng biển xung quanh Trung Quốc sau khi nó hoàn thành bảo dưỡng.
Các máy bay trên boong tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71) (Ảnh: Đông Phương)
|
Một số nhà quan sát chỉ ra rằng động thái này của Mỹ có thể nhằm gây áp lực với Triều Tiên, đồng thời mở rộng ảnh hưởng quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng những vũ khí chiến lược này có thể được sử dụng để thực hiện đa dự án, thay vì cho mục đích đặc biệt nào đó, nhưng nếu có lệnh, chúng có thể được đưa vào tác chiến được ngay.
Trang Guancha của Trung Quốc viết, lần cuối cùng Hải quân Mỹ “đột nhập vào quần đảo Nam Sa” là ngày 20 và 21/11/2019. Vào thời điểm đó, USS Giffords và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer (DDG-108) đã đi vào vùng biển phụ cận Quần đảo Trường Sa và lãnh hải của “Quần đảo Tây Sa” (tên Trung Quốc gọi Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đang chiếm giữ phi pháp).