Tuy cuộc diễn tập này được tiến hành tại bờ biển San Antonio, nhưng nó được coi là một phần của cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines trên Biển Đông. Quân đội Mỹ đã huy động tàu sân bay và các xe lội nước chở quân đổ bộ hiện đại tham gia. San Antonio nằm ở Trung Nam bộ nước Mỹ, là thành phố đông dân thứ hai của bang Texas, đồng thời là thành phố đông dân thứ 7 nước Mỹ.
Trang tin Đa Chiều nhấn mạnh, điều đáng chú ý là, trước khi tiến hành cuộc diễn tập này, các quan chức Philippines đã công khai phê phán Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông và tuyên bố sẽ lấy lại; Tổng thống Duterte cũng tuyên bố binh sĩ Philippines sẵn sàng cảm tử để bảo vệ đảo; dân chúng Philippines cũng tổ chức biểu tình để bày tỏ bất bình với Trung Quốc.
Phía Mỹ nói, cuộc diễn tập lần này nhằm nâng cao kỹ năng quân sự, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác lâu dài giữa hai nước đồng minh quân sự.
Xe bọc thép lội nước chở quân đổ bộ đánh chiếm đảo
|
Ảnh chụp tại hiện trường cho thấy các xe bọc thép lội nước của Mỹ tiến công đánh chiếm đảo.
Trước đó, Hãng Bloomberg ngày 10.4 đưa tin chiếc tàu sân bay USS Wasp của Mỹ đã xuất hiện ở gần bãi cạn Scaborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) – nơi đang xảy ra tranh chấp về lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines; việc này được coi là một tín hiệu mạnh mẽ của Mỹ và Philippines gửi tới Trung Quốc.
Máy bay tàng hình F-35B trên tàu sân bay USS Wasp tham gia cuộc diễn tập
|
Một quan chức Mỹ phụ trách cuộc diễn tập tiết lộ, đây là lần đầu tiên Mỹ cử các máy bay tàng hình F-35 tham gia cuộc diễn tập chung hàng năm mang tên “Vai kề vai” (“Shoulder-to-shoulder”) của quân đội hai nước Mỹ - Philippines.
Việc Mỹ cho tàu sân bay USS Wasp (LHD-1) tham gia diễn tập cho thấy sự hợp tác quân sự giữa hai nước đã gia tăng nhằm đảm bảo hòa bình,ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Binh sĩ hai bên phối hợp diễn tập đổ bộ chiếm đảo
|
Khi được hỏi về vấn đề liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã nói: “Từ hàng ngàn năm nay, ngư dân Trung Quốc liên tục đánh bắt trên vùng biển liên quan ở Nam Hải (Biển Đông), quyền lợi đó không thể bị thách thức. Mong các thế lực bên ngoài không nên tạo ra sóng gió”.
Hàng ngàn người Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc hôm 9.4
|
Hôm 9.4, hàng ngàn người Philippines đã biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại Manila yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển phía Tây Philippines và phê phán Tổng thống Duterte bán rẻ lợi ích của đất nước để lấy lòng người Trung Quốc; cho rằng viện trợ kinh tế của Trung Quốc thực tế chỉ là trút lên món nợ, gián tiếp khống chế kinh tế nước khác.
Hôm 4.4, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố đe dọa sẽ áp dụng “hành động tấn công tự sát” để bảo vệ đảo Thị Tứ nếu bị Trung Quốc tiến công
|
Gần đảo Thị Tứ - đảo tự nhiên lớn thứ 2 quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Philippines đang kiểm soát, từ mấy tháng nay đã xuất hiện mấy trăm tàu thuyền Trung Quốc, một số được Philippines nhận dạng là tàu hải cảnh. Chính phủ Philippines lo ngại Trung Quốc có ý đồ chiếm đảo và tăng cường khống chế vùng biển này. Tổng thống Duterte mới đây đã thay đổi thái độ hữu hảo vốn có của ông ta với Trung Quốc, đe dọa sẽ áp dụng “hành động tấn công tự sát” để bảo vệ hòn đảo này. Ông nói tối 4.4: “Tôi không khẩn cầu hay van xin. Tôi chỉ muốn nói các vị đừng có đụng vào Pag-Asa (tên người Philippines gọi Thị Tứ) vì tôi có quân đội đóng ở đó. Nếu các vị đụng đến nó thì đó là chuyện khác. Khi đó tôi sẽ nói với các binh sĩ của mình: chuẩn bị thực thi nhiệm vụ tác chiến tự sát”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 3 khi thăm Philippines đã tuyên bố áp dụng “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines” bảo vệ vùng biển tranh chấp hoặc tàu thuyền, máy bay của Philippines bị tiến công
|
Hồi tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi thăm Philippines đã khẳng định trước các quan chức địa phương, “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines” thích hợp cho việc áp dụng trong trường hợp vùng biển tranh chấp hoặc tàu thuyền, máy bay của Philippines bị tiến công.