Trung Quốc ráo riết tăng cường tác chiến đổ bộ nhằm mục đích gì

VietTimes -- Trung Quốc đang tiếp tục tìm cách tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ, ngoài tìm cách tăng cường khả năng "thu hồi" Đài Loan, còn có liên quan chặt chẽ đến yêu sách vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Biên đội huấn luyện biển xa của Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc. Trong biên đội này có tàu đổ bộ Type 071 đi đầu. Ảnh: Sina.
Biên đội huấn luyện biển xa của Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc. Trong biên đội này có tàu đổ bộ Type 071 đi đầu. Ảnh: Sina.

Có quan điểm cho rằng trong 20 năm qua, mặc dù hải quân Trung Quốc đã có sự phát triển rất lớn, nhưng số lượng tàu đổ bộ hiện đại của họ rất ít.

Đối với vấn đề này, trang tin Lowy Interpreter Australia gần đây đã giữ quan điểm phản bác, cho rằng quân đội Trung Quốc hoàn toàn không coi nhẹ xây dựng khả năng tác chiến đổ bộ. Quân đội Trung Quốc đang chế tạo tàu tấn công đổ bộ mới và mở rộng quy mô lực lượng hải quân đánh bộ.

Nếu xung đột ở eo biển Đài Loan nổ ra, quân đội Trung Quốc sẽ khẳng định khả năng điều động binh lực và khả năng tấn công đổ bộ.

Theo bài viết, mặc dù trên phương diện tàu đổ bộ hiện đại mới nhất, Trung Quốc chỉ có 4 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, nhưng Trung Quốc còn đang chế tạo thêm 2 chiếc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang chế tạo tàu tấn công đổ bộ Type 075.

Đối với quân đội Trung Quốc, tàu đổ bộ không cần loại mới nhất, cũng không cần đắt đỏ như tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Mỹ (1 tỷ USD/chiếc).

Quân đội Trung Quốc đã có khoảng 50 tàu đổ bộ tương đối cũ, hoàn toàn có đủ khả năng vận chuyển binh sĩ và trang bị hải quân đi qua eo biển Đài Loan. Đến năm 2030 tổng số tàu đổ bộ của Trung Quốc sẽ trên 70 chiếc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có rất nhiều tàu thương mại, tàu thuyền đặc biệt, bao gồm sà lan đều có thể sử dụng để đi qua eo biển Đài Loan.

Ba tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 của Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Qianlong.
 Ba tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 của Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Qianlong.

Cho nên, quan điểm cho rằng hải quân trung Quốc không thể điều động binh lực và trang bị đến đảo Đài Loan do thiếu tàu đổ bộ hiện đại là một quan điểm sai lầm.

Trong điều kiện thời tiết và biển thích hợp, dưới sự yểm trợ thích hợp, trong vòng 1 ngày, quân đội Trung Quốc có thể vận chuyển hàng ngàn hàng vạn binh sĩ đến Đài Loan.

Lực lượng hải quân đánh bộ Trung Quốc sẽ từ 20.000 quân tăng lên 100.000 quân, thời gian của quá trình này rất có thể ngắn hơn so với dự đoán của bên ngoài.

Một số chuyên gia phương Tây đã coi nhẹ một sự thực, đó là quân đội Trung Quốc đã có 50.000 - 60.000 binh sĩ bộ binh cơ giới hóa đã được huấn luyện đổ bộ, những binh sĩ này có thể đóng vai trò là lực lượng tiếp ứng sau khi lực lượng hải quân đánh bộ đánh chiếm lấy bờ biển.

Được biết, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Trung Quốc bắt đầu khởi công chế tạo từ năm 2006, biên chế chiếc đầu tiên từ năm 2012. Type 071 dài 210 m, lượng giãn nước bình thường là 18.000 tấn, lượng giãn nước tối đa là 29.000 tấn, có thể chở nhiều nhất 4 máy bay trực thăng cỡ lớn Z-8, 4 tàu đổ bộ đệm khí Type 726A.

Hiện nay, Trung Quốc đã biên chế 3 tàu đổ bộ Type 071 cho Hạm đội Nam Hải, 1 tàu đổ bộ Type 071 cho Hạm đội Đông Hải (2/2016). Hai chiếc Type 071 thứ 5 và thứ 6 sẽ tiếp tục trang bị cho Hạm đội Đông Hải.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 có thể chở được 1 tiểu đoàn xe chiến đấu đổ bộ. Ảnh: Sina.
 Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 có thể chở được 1 tiểu đoàn xe chiến đấu đổ bộ. Ảnh: Sina.

Trong tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục chế tạo thêm 3 tàu đổ bộ Type 071 để biên chế cho Hạm đội Bắc Hải, thực hiện mỗi hạm đội lớn biên chế 3 chiếc. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng chiếc Type 071 thứ 6 là chiếc cuối cùng, sau đó Trung Quốc sẽ chuyển sang chế tạo, biên chế tàu tấn công đổ bộ Type 075.

Những năm gần đây, trong các hoạt động huấn luyện, diễn tập của Hạm đội Nam Hải, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 thường xuyên tham gia, nhất là các hoạt động huấn luyện, diễn tập đánh chiếm đảo.

Việc Trung Quốc ưu tiên trang bị tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 cho Hạm đội Nam Hải và tăng cường huấn luyện, diễn tập tác chiến đổ bộ ở đây nhằm mục đích gì thì dư luận quốc tế đều hiểu rõ, nhất là khi Trung Quốc đưa ra yêu sách “chủ quyền” vô lý, phi pháp đối với tất cả các đảo, đá ngầm ở Biển Đông.