|
Ảnh: Nikkei Asia |
Mỹ và Nhật Bản sẽ đề nghị các quốc gia ASEAN tham gia vào một khuôn khổ chuỗi cung ứng mới được phát triển để ngăn chặn sự thiếu hụt chất bán dẫn và các hàng hóa chiến lược khác khi họ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, theo Nikkei Asia .
Cụ thể hơn, với dự thảo khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, Washington mong muốn xây dựng một vùng kinh tế mới xung quanh các đối tác tin cậy vốn chia sẻ những giá trị tự do, dân chủ với Mỹ. Kế hoạch chi tiết của khung kinh tế này chưa được công bố.
Mỹ gần đây đã gửi một văn bản dự thảo cho chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia. Được biết hai bên vẫn đang tiếp tục bàn thảo với nhau về những nội dung cụ thể của khung hợp tác kinh tế.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu do cuộc xung đột tại Ukraine và đại dịch Covid-19, việc hợp tác với Đông Nam Á nhằm giảm rủi ro an ninh kinh tế bằng cách xây dựng lại chuỗi cung ứng để tập trung vào các quốc gia thân thiện như Nhật Bản.
Dự thảo cho biết, việc đảm bảo các chuỗi cung ứng quốc tế hoạt động bình thường có thể củng cố các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm và duy trì việc làm. Dự thảo có nhắc đến việc tôn trọng các tiêu chuẩn lao động, điều này nhắm Trung Quốc - quốc gia đã phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng lao động, sẽ không được hoan nghênh trong chiến lược này.
Theo dự thảo, công nghệ chất bán dẫn và năng lượng sạch là các lĩnh vực ưu tiên, khuôn khổ kêu gọi các nước tham gia mở rộng hợp tác để đảm bảo tiếp cận các nguyên liệu cần thiết.
Theo đó, Mỹ và Nhật đã thảo luận về đầu tư tập trung vào các công nghệ cần thiết để đẩy nhanh việc triển khai năng lượng sạch. Các chủ trương về hợp tác kỹ thuật số và duy trì tự do thương mại cũng được bao gồm.
Dự thảo này không nhằm mục đích là một thỏa thuận kinh tế thuần túy. Nó nhấn mạnh rằng các lợi ích chính sách kinh tế và ngoại giao giúp các nước trong khu vực có thể gắn bó chặt chẽ với nhau.
Theo một quan chức cấp cao, Mỹ đã tiếp cận cả Nhật Bản và Hàn Quốc vào mùa thu năm ngoái về việc thành lập một nhóm phát triển, sản xuất chất bán dẫn. Cũng có một đề xuất đưa Đài Loan, nơi sản xuất phần lớn nguồn cung cấp chip hàng đầu trên thế giới tham gia khuôn khổ này.
Trước đó Tokyo và Seoul đã đưa ra những biện pháp hạn chế đối với nhau về vật liệu sản xuất chip. Theo đó, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm nhất định sang Hàn Quốc vào năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao về vấn đề lao động bị cưỡng ép liên quan đến các công ty Nhật Bản và sự cố một tàu khu trục Hàn Quốc đã khóa radar điều khiển hỏa lực vào một máy bay tuần tra của Nhật Bản.
Tổng thống sắp tới của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người sẽ nhậm chức vào tháng 5, có vẻ sẽ sẵn sàng tiến tới và cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này vẫn sẽ là một thách thức lớn vì các vấn đề lịch sử xung quanh hai nước là một chủ đề gây bức xúc đối với công chúng Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ dự kiến sẽ thúc giục chính quyền mới tại Hàn Quốc hợp tác với Tokyo.
Các bộ trưởng ngoại giao từ Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Hawaii vào tháng 2 và đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh "tầm quan trọng của sự hợp tác ... để cải thiện an ninh kinh tế".
Ba quốc gia này và Đài Loan chiếm hơn 70% sản lượng chip toàn cầu và họ cũng đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này tại Đông Nam Á, nơi có tham vọng trở thành trung tâm bán dẫn trong tương lai gần.
Theo Nikkei Asia