Tướng Tư lệnh hạm đội Mỹ: “Tin tưởng ngăn chặn được Bắc Kinh dùng vũ lực thống nhất Đài Loan”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Sam Paparo ngày 29/6 đã tuyên bố, quân đội Mỹ có thể ngăn chặn kế hoạch này.
Tướng Sam Paparo: "Tin tưởng sẽ ngăn chặn được Bắc Kinh dùng vũ lực thống nhất Đài Loan" (Ảnh: HĐ7).
Tướng Sam Paparo: "Tin tưởng sẽ ngăn chặn được Bắc Kinh dùng vũ lực thống nhất Đài Loan" (Ảnh: HĐ7).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 6/7, ấn phẩm chính thức của Liên đoàn Hải quân Mỹ Sea Power, ngày 30/6 đưa tin, tại hội thảo trực tuyến năm 2021 do Hiệp hội Điện tử và Truyền thông Lực lượng Vũ trang và Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ tổ chức vào ngày 29/6, tướng Sam Paparo đã tuyên bố: "Trung Quốc là một mối đe dọa đang ngày càng gia tăng".

Ông cũng giải thích rằng điều này có nghĩa là việc Trung Quốc phát triển khả năng chiến đấu của họ, đặc biệt là khả năng trên biển, "là điều chúng ta cân nhắc khi đầu tư vào khả năng chiến đấu của mình".

Sam Paparo, người mới nhận chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương vào tháng 5/2021, nói rằng ông hoàn toàn đồng ý với quan điểm của cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Philip Davidson. Ông Davidson cho biết tại một cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 3 rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan bằng vũ lực trong vòng sáu năm như một phần của việc đạt được các mục tiêu của họ. Mục tiêu của Trung Quốc là mở rộng ảnh hưởng của họ trong toàn bộ khu vực và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vào năm 2050.

Tướng Sam Paparo và các sĩ quan cấp dướ (Ảnh: HĐ7).

Tướng Sam Paparo và các sĩ quan cấp dướ (Ảnh: HĐ7).

"Tôi lo lắng về ý đồ của Trung Quốc", ông Sam Paparo nói, "Dù (thời điểm tấn công Đài Loan) là ngày mai, năm sau hay 6 năm sau, điều đó không có gì khác biệt đối với tôi. Tại Hạm đội Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương, chúng ta có trách nhiệm chuẩn bị tốt mọi mặt để đối phó với các mối đe dọa an ninh mà nước Mỹ phải đối mặt".

Ông Paparo cũng nói rằng trách nhiệm này bao gồm việc cung cấp một hạm đội có thể ngăn cản bất kỳ ý đồ nào của Trung Quốc nhằm phá hoại trật tự trên toàn thế giới, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. "Nhưng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng vào các thủy thủ, lính thủy đánh bộ và lực lượng bảo vệ bờ biển... và kế hoạch tác chiến của chúng ta. Với nỗ lực chung của các đồng minh và đối tác của chúng ta, ý đồ này (của Trung Quốc) sẽ bị thất bại".

Khi được hỏi liệu có bất kỳ cuộc thảo luận nào thêm về việc xây dựng một hạm đội mới được đánh số cho Ấn Độ Dương hay không? ông Paparo nói rằng theo lý thuyết của Hải quân, mỗi hạm đội được đánh số là một sở chỉ huy chiến thuật hạng ba sao (Trung tướng chỉ huy) có thể được triển khai trên quy mô toàn cầu và thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào. Ông Paparo nói rằng các Hạm đội Bốn, Hạm đội Hai và Hạm đội Ba của Hải quân Hoa Kỳ đã được chuẩn bị sẵn sàng, có thể được triển khai ở những nơi cần thiết.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7/2021 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7/2021 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo Dwnews, về vấn đề Đài Loan, ngày 1/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói tại cuộc mít tinh kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh rằng: “Giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất hoàn toàn đất nước là nhiệm vụ lịch sử không thể thay đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nguyện vọng chung của toàn thể dân tộc Trung Hoa. Chúng ta cần kiên trì nguyên tắc một Trung Quốc và ‘Đồng thuận 1992’ để thúc đẩy tiến trình hòa bình thống nhất Tổ quốc. Tất cả những người con của dân tộc Trung Hoa, bao gồm cả dân chúng ở hai bên eo biển, phải cùng nhau đoàn kết tiến lên phía trước, kiên quyết đập tan mọi âm mưu ‘Đài Loan độc lập’, và tạo ra một tương lai tốt đẹp cho sự phục hưng dân tộc. Không ai được đánh giá thấp ý chí, quyết tâm, khả năng hùng mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc!”.

Tuy nhiên, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói tại cuộc điều trần trước Quốc hội ngày 17/6 rằng do Trung Quốc vẫn cần phát triển hơn nữa các khả năng cần thiết, nên họ khó có khả năng sử dụng các biện pháp quân sự để đánh chiếm Đài Loan trong tương lai gần. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng tham dự phiên điều trần ngày hôm đó. Về vấn đề Đài Loan, ông Lloyd Austin nói: "Không nghi ngờ gì nữa, thống nhất Đài Loan là mục tiêu của Trung Quốc. Về thời gian biểu hoặc khung thời gian cụ thể thì vẫn phải chờ xem".

Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso (Ảnh: Dwnews).

Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso (Ảnh: Dwnews).

Liên quan đến vấn đề này, theo Dwnews ngày 7/7, hôm 5/7, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã tuyên bố: “Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan bằng vũ lực, thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản và Mỹ phải cùng nỗ lực để bảo vệ Đài Loan”. Phát biểu này đã gây rúng động, được cho là ông Aso nhằm trực tiếp kéo Mỹ vẫn đang chao đảo giữa "chiến lược rõ ràng" và "mơ hồ chiến lược" xuống nước, giống như ép buộc Mỹ phải tỏ thái độ dứt khoát bảo vệ Đài Loan.

Dwnews viết, sau khi chính quyền Joe Biden lên nắm quyền và Trung Quốc thông qua "Luật Hải cảnh” vào tháng 2, Nhật đã điều chỉnh rõ rệt đường lối đối với Trung Quốc, bắt đầu can thiệp vào các vấn đề eo biển Đài Loan thường xuyên và thái độ có vẻ cấp tiến hơn Mỹ. Ví dụ, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tham dự cuộc họp "2 + 2" Mỹ-Nhật vào tháng 3, ông đã tuyên bố rõ ràng rằng "cần phải thảo luận về loại hỗ trợ mà Lực lượng Phòng vệ Nhật có thể cung cấp cho quân đội Mỹ ủng hộ Đài Loan".

Tờ Financial Times mới đây đưa tin, Mỹ và Nhật Bản tăng cường tập trận mô phỏng cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, nhưng khi Nhật đề nghị Mỹ chia sẻ kế hoạch bảo vệ Đài Loan thì bị phía Mỹ từ chối vì Mỹ muốn đặt trọng điểm vào việc tăng cường phối hợp với Tokyo theo từng giai đoạn.

Các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ, Nhật gặp nhau tạo Hội nghị "2+2" tháng 3/2021 (Ảnh: AP).

Các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ, Nhật gặp nhau tạo Hội nghị "2+2" tháng 3/2021 (Ảnh: AP).

Theo Dwnews, về bản chất, vấn đề Đài Loan quan trọng hơn đối với chiến lược Trung Quốc của Mỹ, vì sao Nhật Bản lại “nhảy cao hơn” vào thời điểm này? Điều này có thể là do Nhật Bản nằm ở trung tâm xung đột địa chính trị, có cảm giác bất an hơn. Trước hết, Nhật Bản rất nhạy cảm với "Luật Hải cảnh” của Trung Quốc, cho rằng đây có thể là bước dạo đầu cho việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát thực tế đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng lo lắng về sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc và Nga, ví dụ, ông Nobuo Kishi ngày 30/6 đã chỉ ra rằng Nga đã triển khai tên lửa đất đối không trên các vùng lãnh thổ tranh chấp của Nhật Bản và Nga ở "Quần đảo Nam Kuril" (Nhật gọi là bốn đảo phía bắc) vào tháng 12 năm ngoái và phía Nga đã tiến hành "diễn tập quân sự ở khu vực Viễn Đông" vào tháng 2 và tháng 6 nên rất lo lắng về việc này. Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama ngày 28/6 đã diễn thuyết tại Viện Hudson Mỹ. Khi nói về "Nhật Bản phải bảo vệ Đài Loan như một quốc gia dân chủ", chủ đề thực sự là đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, ông hy vọng sẽ thấy Mỹ "ngày càng mạnh mẽ hơn trước sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi bày tỏ lo ngại về mối đe dọa quân sự của Nga khi đi thị sát quân đội ở phía Bắc (Ảnh: Twitter).

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi bày tỏ lo ngại về mối đe dọa quân sự của Nga khi đi thị sát quân đội ở phía Bắc (Ảnh: Twitter).

Dwnews nhận định, do đó, về tổng thể, Nhật Bản cảm thấy nguy hiểm trước diều hâu Trung Quốc. Vấn đề Biển Hoa Đông đang nóng lên trong nước và họ lo lắng về việc Trung Quốc tiến gần đến dùng vũ lực thống nhất Đài Loan; cùng với việc tăng cường quan hệ quân sự Trung-Nga, cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết và quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở mức rất thấp ... Tóm lại, trong tình hình hiện nay, Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ thể hiện một tư thế liên minh an ninh mạnh mẽ hơn, hy vọng Mỹ sẽ cam kết rõ ràng “bảo vệ Đài Loan bằng vũ lực”. Về bản chất, Nhật hy vọng Mỹ có thể “bảo vệ Nhật Bản bằng vũ lực” nếu xảy ra khủng hoảng.