Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) sau 5 năm, Đài Loan và Mỹ hôm 30/6 đã tổ chức cuộc hội đàm trực tuyến về "Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Mỹ - Đài Loan" (Trade and Investment Framework Agreement, TIFA). Phía Đài Loan do bà Dương Trân Nê, Phó Trưởng đoàn đàm phán Văn phòng Đàm phán Kinh tế và Thương mại, Viện Hành chính dẫn đầu. Phía Mỹ do ông Terrence J. McCartin, Trợ lý Đại diện Thương mại (USTR) dẫn đầu.
Trước sự khởi động lại của TIFA, phía Trung Quốc đã lập tức phản đối, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan. Đáp lại, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 28/6 rằng mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Đài Loan là rất quan trọng và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với Đài Loan; “đó là lý do vì sao chúng tôi chờ đợi cuộc hội đàm về TIFA".
Ngoài ra, bà Jen Psaki đã phủ nhận việc Mỹ sử dụng vaccine để đổi lấy chất bán dẫn của Đài Loan. Khi được hỏi một số lượng lớn vaccine COVID-19 từ Mỹ được chuyển đến Đài Loan liệu có phải Mỹ định sử dụng chúng để đổi lấy việc đảm bảo nguồn cung cấp chip hay không. Jen Psaki trả lời: “Không nên có ý nghĩ như vậy”, nhưng bà cũng đề cập rằng nguồn cung cấp vaccine của Đài Loan đã bị cắt.
Bà Jen Psaki bác bỏ việc Mỹ dùng vaccine COVID-19 để đổi lấy chip của Đài Loan (Ảnh: AP). |
Cho đến nay Đài Loan đã nhận được 4,85 triệu liều vaccine, trong đó 1,24 triệu liều do Nhật Bản tặng, 2,5 triệu liều được Mỹ tặng. Ngày 30/6 có một lô 410 ngàn liều được máy bay chở từ Mỹ tới Đài Bắc.
Sau cuộc họp trực tuyến, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã ra thông cáo báo chí nói họ rất vui mừng khi hai bên nối lại các cuộc tiếp xúc thương mại cấp cao và bày tỏ hy vọng rằng hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ, không chỉ để làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Đài Loan, mà cũng để hỗ trợ các chính sách thương mại lấy lao động làm trung tâm với tư cách là một đối tác dân chủ và theo đuổi chống lại vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, hai bên đã đồng ý thành lập một nhóm công tác về lao động mới theo cơ cấu khung TIFA.
Thông cáo báo chí nêu rõ Mỹ và Đài Loan đã thảo luận một loạt các vấn đề về thương mại và đầu tư khi hội đàm; đã đạt được tiến bộ trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như bảo vệ bí mật thương mại của doanh nghiệp Đài Loan và sẽ sửa đổi các thủ tục đánh giá thiết bị y tế của Đài Loan.
Ngoài ra, các nhà chức trách Mỹ và Đài Loan đã cam kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết các vấn đề thương mại, bao gồm những trở ngại thị trường mà các nhà sản xuất thịt bò và thịt lợn của Mỹ phải đối mặt. Mỹ cũng bày tỏ quan ngại trong các lĩnh vực như luật bản quyền, vi phạm bản quyền, dịch vụ tài chính, đầu tư và minh bạch quy định quản lý giám sát.
Giữa lúc dịch bùng phát trở lại Đài Loan, Mỹ đã tặng cho dư luận;o 2,5 triệu liều vaccine COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle). |
Vấn đề ủy quyền sản xuất vaccine
Tại Đài Loan, Viện Hành chính đã tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc hội đàm và chỉ ra rằng Đài Loan và Mỹ đã đồng ý đơn giản hóa các thủ tục xem xét về trang thiết bị y tế, điều này sẽ giúp người tiêu dùng tăng nhu cầu về các thiết bị y tế cần thiết; phía Mỹ đồng ý mở rộng việc cung cấp vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.
Ủy viên Hội đồng Chính trị Đài Loan Đặng Chấn Trung cũng cho biết, hai bên nhất trí không chỉ có cuộc gặp này, trong năm tới hai bên sẽ thành lập một nhóm công tác để thảo luận chặt chẽ các vấn đề song phương, đây cũng là thành quả quan trọng nhất của cuộc hội đàm. Tại cuộc họp báo, ông cho biết cuộc hội đàm về TIFA lần thứ 11 được tổ chức từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều theo giờ Đài Loan, tức là 3 giờ sáng theo giờ Mỹ. Phía Đài Loan bày tỏ cảm ơn Mỹ về điều này.
Tại cuộc họp báo, có phóng viên đặt câu hỏi liệu Đài Loan có tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ Mỹ để có được vaccine hay không. Ông Tiết Thụy Nguyên, Phó quan chức ngành Y tế nói: “Thẩm tra lẫn nhau, đẩy nhanh trong tình hình không giảm bớt nguyên tắc, tiếp tục đàm phán với phía Mỹ. Về việc ủy quyền sản xuất vaccine và chuỗi cung ứng, ông nói: "Chúng tôi đã nêu ra vấn đề này và Mỹ sẵn sàng thảo luận vấn đề này trong nhóm làm việc".
Phía Đài Loan họp báo, đánh giá cao kết quả của cuộc hồi đàm Mỹ - Đài về TIFA (Ảnh: CNA). |
Khởi động lại sau 5 năm gián đoạn
Cuộc họp TIFA lần gần đây nhất được tổ chức giữa Đài Loan và Mỹ là vào năm 2016. Đây là hội nghị được khởi động lại sau 5 năm tạm ngừng. Ông Lý Thuần, Phó giám đốc điều hành của Trung tâm WTO Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế của Đài Loan, nói với giới truyền thông rằng việc chọn thời điểm này để tiếp tục các cuộc đàm phán trên TIFA là xem xét toàn diện các yếu tố. Theo phân tích của ông, kể từ khi bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ mới nhậm chức vào tháng 3 đã tích cực liên lạc với các đối tác kinh tế và thương mại lớn như Liên minh châu Âu và Trung Quốc; công tác sắp xếp tương tác đa phương đã được lên kế hoạch.
Lý Thuần cũng chỉ ra rằng, từ Báo cáo đánh giá chuỗi cung ứng trăm ngày của chính quyền Biden, đã nhiều lần đề cập đến vị trí của Đài Loan và sự tăng trưởng liên tục của thương mại Đài Loan với Mỹ trong những năm gần đây, có thể thấy rằng mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ thực sự gần gũi, cộng thêm việc Quốc hội Mỹ và ngành công nghiệp cũng đã bày tỏ ủng hộ việc triệu tập các cuộc họp TIFA càng sớm càng tốt, và mọi yếu tố cộng thêm đã cho kết quả này.
Các học giả chỉ ra rằng nếu Mỹ và Đài Loan đạt hiệp nghị một chỉ tiêu sẽ hình thành, giúp Đài Loan đàm phán ký kết hiệp định thương mại đa phương trong tương lai. Trương Kiến Nghị, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết, năm ngoái, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tuyên bố mở cửa nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chứa chất ractopamine, khiến TIFA đình trệ trong 5 năm cuối cùng đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, TIFA là đàm phán cơ cấu kinh tế thương mại Mỹ - Đài, hai bên xây dựng cơ sở đàm phán kinh tế thương mại theo cách xếp gỗ, tuy hai bên cố gắng tháo gỡ vướng mắc nhưng không phải vừa bàn đến TIFA hai bên đã đạt được ngay một hiệp định thương mại song phương.
Sau khi bà Katherine Tai, một người Mỹ gốc Đài Loan được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), việc đàm phán kí BTA với Đài Loan đã được thúc đẩy mạnh mẽ (Ảnh: AP). |
Khả năng ký BTA
Tuy nhiên, mặc dù Đài Loan đang tích cực mong muốn ký kết được BTA với Mỹ thông qua TIFA, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Chính trị Lâm Tổ Gia, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại lục, cũng phân tích Mỹ đã tuyên bố sẽ tập trung vào nền kinh tế trong nước và sẽ không đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nước khác. Do đó, việc nối lại các cuộc hội đàm về TIFA, theo ông, là một sự đánh đổi của Mỹ cho việc các nhà chức trách Đài Loan mở cửa cho việc nhập khẩu thịt lợn của Mỹ.
Ông chỉ ra với giới truyền thông rằng TIFA chỉ là một hiệp nghị khung rất nhỏ, chỉ dành cho việc trao đổi thông tin, ý kiến, v.v... và cho rằng BTA mới là cuộc thảo luận cho một vài nghìn, hàng chục nghìn sản phẩm, là một cuộc đàm phán toàn diện. Ông nhấn mạnh rằng chính quyền Biden đã nói rõ rằng họ sẽ không chủ động đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác, vì vậy sẽ khó có khả năng Đài Loan và Mỹ thảo luận thêm về BTA.
Tuy nhiên, một số học giả lại có quan điểm khác. Giáo sư Khoa Kinh tế Khưu Tuấn Vinh ở Đại học Trung ương Đài Loan cho rằng, xét từ quan hệ Mỹ - Đài Loan hiện nay, có thể lạ quan chờ đợi BTA sẽ đạt được trong 1-2 năm tới. Sau khi đạt được sẽ phát huy tác dụng dẫn đầu, Đài Loan nhiều năm nay mong muốn ký được Hiệp định thương mại tự do với Nhật, CPTPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và các hiệp định kinh tế và thương mại đa phương khác sẽ thành hiện thực. Ông nói: "Các hiệp định này muốn đạt được, thực ra yếu tố kinh tế không quan trọng, tất cả đều mắc kẹt về chính trị".
Ông Triệu Lập Kiên: Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc kí bất kì hiệp định nào có hàm ý chủ quyền và tính chất chính thức với Đài Loan (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Trung Quốc kịch liệt phản đối
Khi được hỏi về việc Mỹ và Đài Loan nối lại việc đàm phán thương mại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc luôn phản đối việc các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc ký kết bất kỳ hiệp định nào có hàm ý chủ quyền và tính chất chính thức với khu vực Đài Loan”.
Triệu Lập Kiên nói: "Chúng tôi nhắc nhở Mỹ thực hiện nguyên tắc một Trung Quốc và các quy định trong ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ, đình chỉ mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan, xử lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng và không gửi bất kỳ tín hiệu sai lệch nào cho các thế lực Đài Loan độc lập”.