Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chia sẻ các lợi ích chung giữa Trung Quốc và Mỹ là tuyên bố của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 8 vừa diễn ra từ ngày 6-8/6 tại thủ đô Bắc Kinh.
Quan hệ Washington-Bắc Kinh đã chứng kiến nhiều biến động, đôi khi căng thẳng, trong một thời gian dài.
Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á năm 2016 (Đối thoại Shangri-La 2016) mới đây ở Singapore, dư luận quốc tế một lần nữa “mục kích sở thị” những màn đấu khẩu nảy lửa của phái đoàn hai nước, đặc biệt liên quan tới tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, không ít người dự báo quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ tiếp tục dậy sóng tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 8. Tuy nhiên, cũng một lần nữa giới chức Mỹ và Trung Quốc khiến thế giới phải bất ngờ với cách họ tối đa hóa lợi ích kinh tế và giảm thiểu những bất đồng chiến lược. Nói cách khác, Washington và Bắc Kinh dường như đang “vờn nhau” trong mối quan hệ lợi ích và mâu thuẫn song hành.
Trước thềm cuộc đối thoại, giới phân tích cho rằng căng thẳng liên quan tới tình hình Biển Đông sẽ “phủ bóng đen” lên Đối thoại S&ED lần thứ 8, nhất là sau khi báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) đưa tin Bắc Kinh có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trong các cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung trước đây, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng luôn là vấn đề gây căng thẳng khi Washington nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh cố tình ghìm giá đồng nội tệ để tạo ra ưu thế cạnh tranh thương mại một cách bất bình đẳng.
Một điểm “nóng” khác tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung năm nay là vấn đề năng lực sản xuất sắt thép vượt quá nhu cầu thị trường quốc tế của Trung Quốc, khiến giá thép giảm mạnh và làm các nhà sản xuất sắt thép của Mỹ hay châu Âu điêu đứng.
Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ-Trung cũng thường xuyên sóng gió xoay quanh các vấn đề như an ninh mạng, gian lận thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, dù vẫn còn bất đồng trong các vấn đề chiến lược, Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 8 cho thấy giới chức hai nước đã nỗ lực đưa trọng tâm thảo luận vào những chủ đề dễ tìm được tiếng nói chung.
Hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục là một điểm sáng, một trụ cột trong quan hệ song phương. Kết thúc vòng đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đánh giá cao những tiến triển đạt được trong quan hệ song phương những năm qua.
Thông cáo báo chí sau Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 8 nêu bật 120 lĩnh vực hợp tác, trong đó có những vẫn đề gai góc như quan hệ quốc phòng, an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố, kinh tế và thương mại-đầu tư. Giới chức hai nước nhất trí thu hẹp các bất đồng, đẩy mạnh hợp tác nhằm xây dựng mô hình quan hệ nước kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về hợp tác kinh tế, hai bên nhất trí thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương một cách thiết thực, như Đối thoại S&ED và Ủy ban Song phương về Thương mại-Đầu tư.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khẳng định một trong những ưu tiên hiện nay của hai nước là đàm phán về hiệp định đầu tư song phương. Washington hoan nghênh các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đồng thời bày tỏ sẵn sàng nắm bắt những cơ hội do cải cách cơ cấu của Trung Quốc mang lại và tăng đầu tư vào nước này.
Trung Quốc và Mỹ đã đạt 6 thỏa thuận hợp tác kinh tế mới trong khuôn khổ cuộc đối thoại. Các thỏa thuận đều thuộc chương trình thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm kiếm các giải pháp mà hai nước này đang phải đối mặt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu, như thỏa thuận giữa tập đoàn Caterpillar Inc. và Tập đoàn Phát triển Kinh tế Thượng Hải Lingang thành lập một trung tâm nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng; thỏa thuận giữa tập đoàn Cộng nghiệp hóa chất-kim loại (Mỹ) và Công ty Công nghệ Bảo vệ môi trường CPI Yuanda nhằm xử lý nước thải công nghiệp từ các nhà máy than bằng cách loại bỏ các kim loại nặng và thủy ngân...
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tăng hạn ngạch cho các nền kinh tế mới nổi.
Về hợp tác thương mại-tài chính, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết phía Mỹ cam kết theo đuổi "ổn định tài chính," thu hẹp thâm hụt ngân sách, trong khi phía Trung Quốc cam kết tiếp tục cải cách tỷ giá hối đoái theo hướng thị trường tạo điều kiện cho việc lưu hành đồng nhân dân tệ hai chiều linh hoạt, không phá giá đồng nội tệ cũng như tác động đến tỷ giá để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Bắc Kinh cũng cam kết những bước đi cụ thể nhằm mở cửa khu vực tài chính nhiều hơn cho các công ty Mỹ, theo đó lần đầu tiên cho phép các ngân hàng Mỹ thanh toán giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng cường phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô với Washington, đồng thời tiếp tục thực thi chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ thận trọng.
Nhìn vào chiều dài quan hệ Mỹ-Trung 1 thập kỷ qua, không khó để nhận thấy dù vẫn còn nhiều bất đồng và căng thẳng trong một số vấn đề lòng tin chiến lược, song quan hệ giữa 2 cường quốc này về tổng thể đang ngày một phát triển mạnh mẽ, trong đó hợp tác kinh tế-thương mại đóng vai trò đầu tàu.
Tháng 11/2015, Trung Quốc đã vượt Canada để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Theo số liệu thống kê từ Phòng Thương mại Trung Quốc tại Mỹ (CGCC), hơn 800.000 lao động Mỹ sống phụ thuộc vào lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mỹ là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 4 của Trung Quốc. Trong khi đó, số dự án đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc là 66.000 dự án với số tiền đầu tư thực tế lên tới 77,47 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Trung Quốc. Đặc biệt, kim ngạch thương mại Mỹ-Trung năm 2015 đạt xấp xỉ 560 tỷ USD.
Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc quan hệ Mỹ-Trung luôn ở trạng thái vừa hợp tác vừa đấu tranh là một thực tế. Bối cảnh địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới những năm qua đòi hỏi Washington và Bắc Kinh cần phải cân bằng giữa lợi ích chiến lược và lòng tin chiến lược. Bất đồng còn nhiều, nghi ngại còn nhiều, song cả hai nước vẫn cần có nhau bởi lợi ích kinh tế là rất lớn. Đối với quan hệ Mỹ-Trung, lợi ích và mâu thuẫn vẫn song hành.