Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh chip toàn diện bao vây, ngăn chặn Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc, chính quyền Joe Biden đã liên tiếp tung ra các biện pháp quyết liệt khác nhau.
Truyền thông Trung Quốc: Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh toàn diện về chip chống Trung Quốc (Ảnh: shutterstock).
Truyền thông Trung Quốc: Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh toàn diện về chip chống Trung Quốc (Ảnh: shutterstock).

Sau khi ban hành “Chips and Science Act 2022” (Đạo luật Chip và Khoa học 2022 – được biết đến với tên gọi Luật Chip) đầu tháng 8; Mỹ đã kêu gọi Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cùng thành lập "Chip 4" (Liên minh bộ tứ Chip) để cấm bán cho Trung Quốc đại lục thiết bị và quy trình sản xuất chip từ 14nm trở xuống; yêu cầu Nvidia và Supermicro ngừng bán chip AI cho Trung Quốc.

Ông Tạ Kim Hà (Xie Jinhe), chuyên gia kinh tế, Chủ tịch tập đoàn truyền thông Caixin Media, nói rằng chuỗi hành động của Mỹ lần này khác với năm 2019 khi chỉ có Huawei và SMIC bị liệt vào danh sách trừng phạt, rất khó để phá vỡ vòng vây của Mỹ. Ông cho rằng, cuộc chiến tranh Chip toàn diện đã nổ ra, đẩy nhanh sự tách rời của ngành công nghiệp Hoa Kỳ và Trung Quốc, và có tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế thế giới.

Việc Mỹ thông qua “Taiwan Policy Act of 2022” (Đạo luật Chính sách Đài Loan) hôm 14/9 đã thu hút nhiều sự chú ý của thế giới bên ngoài. Tạ Kim Hà cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng việc thông qua đạo luật này nhất định sẽ mang lại ảnh hưởng và biến số đáng kể cho mối quan hệ ba bên giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan trong tương lai, mà chiến trường rõ ràng và trực tiếp nhất là chất bán dẫn.

Chủ tịch Tập đoàn Caixin Tạ Kim Hà: Mỹ đã phát động chiến tranh Chip toàn diện chống lại Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Chủ tịch Tập đoàn Caixin Tạ Kim Hà: Mỹ đã phát động chiến tranh Chip toàn diện chống lại Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Ông giải thích rằng từ khi thông qua “Chips and Science Act 2022” vào ngày 9/8 đến việc chuẩn bị và soạn thảo “Chip 4”, Hoa Kỳ đã xây dựng một tuyến phòng thủ toàn diện chất bán dẫn chống lại Trung Quốc. Bất kỳ công ty nào nhận trợ cấp từ Đạo luật Chip sẽ không được phép đầu tư vào Trung Quốc trong vòng 10 năm. Hoa Kỳ cũng đã hạn chế đầu vào thiết bị cho các quy trình chế tạo Chip trên 28nm. Trong Liên minh Chip bốn bên dường như Hàn Quốc vẫn còn do dự, nhưng để bù đắp mạng lưới, Micron đã lập tức tuyên bố sẽ đầu tư 40 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất các bộ nhớ vào trước năm 2030.

Ông Tạ Kim Hà chỉ ra rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ngay lập tức gửi thư tới KLA, Lam Research và Application Material, yêu cầu phải có được Thư chấp thuận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới được bán thiết bị chế tạo chip dưới 14nm cho Trung Quốc. Tiếp theo, họ lại áp đặt các hạn chế đối với chip AI và GPU của AMD và Nvidia, điều này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu của hai công ty này sụt giảm mạnh. Tiếp theo, Bộ Thương mại Mỹ cũng có những hạn chế đối với EDA của phần mềm tự động hóa điện tử. EDA toàn cầu nằm trong tay ba công ty: Synopsys, Cadence và Siemens EDA; ba công ty này chiếm giữ 78% thị phần toàn cầu. Biện pháp quản chế kiểm soát này trực tiếp đánh trúng cốt lõi, tạo áp lực trầm trọng đối với việc nghiên cứu và phát triển độc lập chất bán dẫn của Trung Quốc.

Trung Quốc đại lục hiện có gần 2.000 nhà máy thiết kế chip, 3/4 trong số đó được các nhà sản xuất phần mềm EDA nước ngoài lập ra. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, nếu Mỹ cấm toàn diện EDA thì trong tình hình xấu nhất, ít nhất một nửa các doanh nghiệp này sẽ phá sản.

Ông Tạ Kim Hà cho rằng những động thái lớn này của Hoa Kỳ khác với các lệnh trừng phạt đã đưa SMIC và Huawei vào Danh sách thực thể kể từ năm 2019. Lần này, đầu tư vào Trung Quốc bị cấm trong mười năm và xuất khẩu thiết bị cũng hạn chế quy trình sản xuất Chip 14 nm (nanomet) trở xuống. Trong cuộc chiến tranh Chip này, Mỹ ra đòn ngày càng nặng hơn, Trung Quốc muốn đột phá cũng rất khó. Năm nay, để ngăn chặn Trung Quốc đến Đài Loan để săn trộm tài năng và ăn cắp công nghệ, Đài Loan đã thông qua Luật Bí mật Thương mại, các cơ quan tư pháp cũng tăng cường nỗ lực điều tra và xử lý.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yallen đề xuất "Friend Shoring" (Ảnh: UDN)

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yallen đề xuất "Friend Shoring" (Ảnh: UDN)

Tạ Kim Hà nói rằng Hoa Kỳ gần đây đã tăng cường nỗ lực của mình, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã đề xuất “Friend Shoring” (Chuỗi cung ứng bạn bè), kêu gọi các nước chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước thân thiện (với Mỹ). Tổng thống Biden cũng đề xuất kế hoạch “Cancer Moonshot”, yêu cầu ngành công nghệ sinh học và ngành công nghiệp chế tạo tễ sinh học chuyển về Mỹ, đẩy nhanh tốc độ tách rời ngành công nghiệp Mỹ - Trung, tạo thành ảnh hưởng rất lớn đối với các thế lực kinh tế trên thế giới.

Nhìn vào một loạt cú đấm tổng hợp này của Washington, không khó để thấy rằng một mặt Mỹ hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn và làm suy yếu chuỗi cung ứng chip cho Trung Quốc từ bên ngoài; mặt khác, trực tiếp cắt đứt nguồn cung công nghệ và thiết bị cho Trung Quốc, khiến họ không thể mua được, cũng không thể sản xuất được chip cao cấp.

Theo lệnh cấm của Hoa Kỳ, các chip cao cấp của Trung Quốc bị kẹt ở thiết kế chip 5 nanomet và trong sản xuất chip 7 nanomet, điều này càng làm gia tăng khoảng cách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong lĩnh vực điện toán tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ cao khác.

Hoa Kỳ đương nhiên muốn duy trì vị trí dẫn đầu của mình. Điều này không chỉ xảy ra trong giới công nghệ và kinh doanh của Mỹ mà còn xảy ra trong chính trị, quân sự và trên thực tế là tất cả các lĩnh vực. Ngay cả vận động viên Olympic của Mỹ cũng đang làm điều này, và tất cả mọi người đều đang làm điều đó. Bây giờ Hoa Kỳ không thể chấp nhận cách làm của Trung Quốc gọi là “vượt ở góc cua”, nói theo người Mỹ là “dựa vào hành vi trộm cắp hoặc ép buộc chuyển giao công nghệ”.