Mỹ thử nghiệm tên lửa từng bị cấm suốt nhiều thập kỷ, Nga phản ứng gay gắt

VietTimes -- Mỹ mới thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vượt qua giới hạn được quy định trong thỏa thuận kéo dài nhiều thập kỷ với Nga - một thỏa thuận vừa bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ.
Vụ thử nghiệm tên lửa mà Mỹ thực hiện trên đảo San Nicolas, bang California (Ảnh: AFP)
Vụ thử nghiệm tên lửa mà Mỹ thực hiện trên đảo San Nicolas, bang California (Ảnh: AFP)

Trong một cuộc họp báo, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng họ vừa "thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất phiên bản truyền thống tại đảo San Nicolas, bang California". Đáng chú ý, cơ quan này nói rằng "tên lửa được thử nghiệm đã rời khỏi dàn phóng ở mặt đất và đánh trúng mục tiêu ở cách đó hơn 500 km một cách chính xác", đây là tầm bắn từng bị giới hạn theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) mà Washington và Moscow ký kết.

Mỹ đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này khi phát triển tên lửa hành trình mặt đất có tên gọi Novator 9M729. Moscow đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời tố ngược Washington phá vỡ thỏa thuận khi lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa bị nghi là có cả khả năng tấn công.

"Dữ liệu thu được từ cuộc thử nghiệm này sẽ được chuyển cho Bộ Quốc phòng để tiếp tục phát triển các khả năng tầm trung trong tương lai" - Lầu Năm Góc tuyên bố, cho rằng các cuộc thử nghiệm sẽ còn được thực hiện bất chấp những lời cảnh báo từ chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước vụ thử của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói trên kênh truyền hình Rossiya-24 rằng Moscow vẫn "đang giữ cánh cửa mở" trong đàm phán về các loại tên lửa từng bị cấm theo quy định của INF, nhắc lại quan điểm rằng "miễn là Mỹ không triển khai các hệ thống như vậy tới châu Âu, chúng tôi sẽ làm tương tự. Và miễn là không có tên lửa Mỹ ở châu Á, sẽ không có tên lửa của chúng tôi ở khu vực này".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đưa ra quan điểm tương tự trong hôm thứ Sáu tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya Sevodna, trong đó kêu gọi Washington đưa ra cam kết không triển khai tên lửa ở châu Âu và châu Á. Đây là phản ứng chính thức của Nga sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Marke Esper hồi đầu tháng này hé lộ kế hoạch lắp đặt nhiều tên lửa tầm trung ở châu Á.

Dù Lầu Năm Góc không công bố loại tên lửa mà họ đã thử nghiệm vừa qua, nhưng hệ thống này dường như có nhiều điểm tương đồng với Hệ thống phóng thẳng đứng Mk 41 (Mk-41 VLS) vốn là một phần trong hệ thống chiến đấu Aegis lắp đặt trên chiến hạm. Trả lời hãng tin Newsweek, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Robert N. Carver xác nhận rằng "Mk 41 đã được sử dụng" và rằng tên lửa trên là một biến thể của tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk".

Suốt nhiều năm liền, Nga cho rằng hệ thống như trên, là một phần của tổ hợp phòng thủ Aegis Ashore, có thể được sử dụng để tấn công từ một vị trí ở Romania và Ba Lan, bởi vậy đã vi phạm INF. Tuy nhiên Mỹ bác bỏ luận điểm này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói rằng "Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm cho việc INF sụp đổ" do họ đã phát triển tên lửa hành trình 9M729, trong lúc tuyên bố về việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này hồi đầu tháng. Đáp trả, Ngoại trưởng Nga nói rằng "việc triển khai các hệ thống Mk 41 - vốn có khả năng phóng tên lửa hành trình tầm trung - tại các căn cứ của Mỹ ở châu Âu là hành động vi phạm nghiêm trọng hiệp ước".

Trong hôm 20/8, Moscow nói rằng vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Mỹ là điều đáng tiếc và cho thấy nước này từ lâu đã chuẩn bị cho sự đổ vỡ của INF. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang và vẫn không có ý định triển khai tên lửa trừ khi Mỹ khơi mào.

Theo Newsweek