Tổng thống Duterte khẳng định sẽ không cho phép Mỹ đặt tên lửa trên lãnh thổ Philippines (Ảnh: The Sun) |
Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga vào hồi tuần trước, Washington công khai nói về kế hoạch triển khai thêm nhiều tên lửa đạn đạo có tầm bắn trong khoảng 500 km - 5.000 km ở bất cứ đâu trên thế giới, trong đó bao gồm cả khu vực châu Á, để đối phó với Trung Quốc.
Manila, hiện đang tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, tuyên bố họ sẽ không bao giờ cho phép Mỹ đặt tên lửa trên lãnh thổ của họ - Tổng thống Duterte nhấn mạnh.
"Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra vì tôi không cho phép" - ông Duterte nói - "Tôi sẽ không bao giờ cho phép bất cứ binh sỹ nước ngoài nào... Tôi không muốn đấu với Trung Quốc. Các bạn không thể đặt vũ khí hạt nhân ở Philippines. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra".
Trung Quốc từng cảnh báo Washington rằng họ sẽ đưa ra mọi biện pháp đáp trả cần thiết nếu như Lầu Năm Góc thực thi kế hoạch triển khai tên lửa mặt đất trước "cửa nhà" của họ.
Bất chấp việc nối lại quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh gần đây, ông Duterte khẳng định rằng Philippines không muốn tham gia bất kỳ khối liên minh quân sự nào, giải thích rằng Manila buộc phải tăng cường quan hệ với cả Nga và Trung Quốc sau khi Mỹ từ chối bán 26.000 khẩu súng trường cho họ vào năm 2016.
Sau khi rút khỏi INF, Mỹ công khai kế hoạch lắp đặt tên lửa ở châu Á (Ảnh: RT)
|
"Các bạn (Mỹ) chính là người phải chịu trách nhiệm... các bạn đã đẩy tôi về phía vòng tay rộng mở của chính phủ Trung Quốc" - ông Duterte nói, cáo buộc giới lập pháp Mỹ vì hủy thương vụ bán súng trường cho Philippines - "Tôi phải làm gì bây giờ? Vậy nên sau đó tôi hướng tới Nga".
"Đến ngày hôm nay, tôi muốn nói điều này với nước Mỹ, đến ngày hôm nay, họ (Nga và Trung Quốc) đều không hề bắt tôi phải chi ra thứ gì để thể hiện lòng biết ơn, dù là một cái tăm, không gì cả" - ông Duterte nói thêm.
Tham gia một khối đồng minh quân sự trong bối cảnh tình trạng bất ổn đang gia tăng trên toàn cầu đơn giản là điều vô nghĩa - ông Duterte tranh luận - bởi nếu một cuộc chiến thực sự bùng nổ giữa các siêu cường hạt nhân, tất cả chúng ta đều hứng chịu hậu quả như nhau.
"Nếu các bạn lao vào cuộc chiến, Trung Quốc sẽ tung ra tất cả tên lửa hạt nhân của họ, Mỹ và Nga cũng làm vậy...rồi đến Anh, Italy, Pháp... Điều này là dấu chấm hết cho tất cả chúng ta".
Theo RT