Mỹ tái triển khai UAV trinh sát tối tân nhất tới Biển Đen sau bước lùi trong hòa đàm Nga-Ukraine

Sau khi vòng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đổ vỡ, Mỹ tái điều động máy bay không người lái RQ-4B Global Hawk đến khu vực Biển Đen, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng quân sự giữa Nga và NATO.
Mỹ tái điều động máy bay không người lái RQ-4B Global Hawk đến khu vực Biển Đen. Ảnh: Defense News.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều động trở lại một máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm cao tới khu vực Biển Đen sau khi vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine kết thúc mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Động thái này đánh dấu lần triển khai đầu tiên của loại UAV trinh sát chiến lược kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng đầu năm nay. Trước đó, lần gần nhất mà chiếc UAV Global Hawk xuất hiện tại khu vực này là vào tháng 6/2024.

Việc Mỹ tái triển khai UAV diễn ra chỉ một ngày sau đợt tấn công bằng máy bay không người lái được cho là lớn nhất của Nga kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022. Cụ thể, hôm 17/5, Nga đã phóng tổng cộng 273 UAV vào nhiều khu vực của Ukraine, chủ yếu nhắm vào thủ đô Kiev cùng các vùng Dnipropetrovsk và Donetsk ở miền Đông, theo Reuters.

Không quân Ukraine cáo buộc rằng cuộc tấn công này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và thương vong dân thường. Ngay sau đó, một chiếc RQ-4B Global Hawk, UAV trinh sát chiến lược của Mỹ, đã xuất hiện trở lại trên không phận khu vực Biển Đen để thực hiện sứ mệnh giám sát, theo tờ The Moscow Times.

Đàm phán đổ vỡ, nguy cơ leo thang

Vòng đàm phán tại Istanbul ngày 16/5 đánh dấu lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2022. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khiến nỗ lực hòa bình rơi vào bế tắc.

Ngày hôm sau, Lầu Năm Góc đã cho triển khai lại UAV tới khu vực, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang. Theo dịch vụ theo dõi hàng không Flightradar24, chiếc UAV mang ký hiệu “Forte10” cất cánh từ căn cứ không quân hải quân Sigonella của NATO tại Sicily (Italy), thực hiện hoạt động trinh sát dọc theo bờ biển Romania – sát với khu vực hoạt động của hạm đội Nga tại Biển Đen.

Trước đó, hồi tháng 6/2024, một chiếc RQ-4B tương tự cũng được triển khai tới gần bán đảo Crimea trong bối cảnh căng thẳng tăng cao sau loạt tấn công bằng tên lửa hành trình vào các vị trí quân sự Nga.

UAV trinh sát tối tân nhất của Mỹ

Theo The Moscow Times, RQ-4B Global Hawk là loại UAV trinh sát lớn nhất thế giới do tập đoàn Northrop Grumman chế tạo.

Chiếc UAV này có sải cánh lên tới 39,8 mét, có thể bay liên tục trong 32 giờ và được trang bị hệ thống cảm biến hiện đại gồm radar khẩu độ tổng hợp (SAR), cảm biến điện-quang học và hồng ngoại, cho phép thu thập dữ liệu thời gian thực về các hoạt động phòng không, di chuyển của máy bay và tàu chiến đối phương.

Giới chức quốc phòng Nga bày tỏ lo ngại trước sự hiện diện ngày càng thường xuyên của UAV Mỹ ở Biển Đen. Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/5 tuyên bố rằng Washington đang sử dụng máy bay không người lái để thu thập thông tin tình báo nhằm hỗ trợ Kiev sử dụng vũ khí chính xác cao do phương Tây cung cấp.

Bộ này cảnh báo rằng hoạt động này "làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và các nước NATO".

Mỹ bị cáo buộc gia tăng can dự

Trên kênh Telegram chính thức, Bộ Quốc phòng Nga viết: “Tần suất hoạt động của UAV Mỹ trên không phận Biển Đen cho thấy sự can dự ngày càng rõ rệt của Mỹ và các nước NATO vào cuộc xung đột, đứng về phía Kiev".

Nga đồng thời nhấn mạnh rằng việc máy bay trinh sát Mỹ hoạt động sát không phận Nga "tăng nguy cơ xảy ra sự cố với lực lượng không quân vũ trụ Nga", tiềm ẩn nguy cơ đụng độ không mong muốn giữa hai cường quốc quân sự.

Tổng thống Trump – người từng cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu hòa đàm thất bại – vẫn chưa đưa ra tuyên bố mới sau sự kiện. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế nhận định việc Mỹ tái triển khai UAV có thể dẫn tới những phản ứng quân sự cứng rắn hơn từ phía Nga, trong bối cảnh khu vực Biển Đen trở thành một trong những điểm nóng chiến lược quan trọng nhất hiện nay.