“Cơn ác mộng Shahed”: Nga biến UAV giá rẻ thành vũ khí tốc độ cao khó bị đánh chặn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các lực lượng phòng không Ukraine nói rằng những chiếc UAV Shahed nay bay nhanh hơn, cao hơn, và có thể được dẫn hướng bằng thiết bị Starlink gắn trên thân.

Untitled.png
Mẫu UAV Shahed được Nga nâng cấp thành một thứ vũ khí nguy hiểm và khó bị đánh chặn. Ảnh: Getty.

Nga tăng cường các đợt không kích bằng Shahed

Các đợt không kích của Nga nhằm vào Ukraine đã trở nên nguy hiểm hơn rõ rệt trong những tháng gần đây.

Một phần nguyên nhân đến từ việc Ukraine thiếu hụt các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự đến từ UAV Shahed – loại vũ khí tấn công tầm xa được Nga sử dụng phổ biến nhất – đã trải qua những đợt nâng cấp đáng kể kể từ đầu năm, bao gồm động cơ phản lực và thiết bị vệ tinh Starlink tích hợp

Shahed, loại UAV do Iran thiết kế và hiện được Nga sản xuất trong nước, đã xuất hiện liên tục trong các đợt không kích nhằm vào Ukraine kể từ mùa Thu năm 2022. Với tầm hoạt động xa, khả năng bay cao và chi phí sản xuất thấp, Shahed trở thành lựa chọn mặc định cho các đòn đánh tầm sâu của Moscow.

Trong thời gian gần đây, các cuộc tập kích bằng Shahed ngày càng trở nên khó lường và nguy hiểm hơn. Ông Oleksiy – chỉ huy một đơn vị phòng không cơ động đã bảo vệ khu vực tây bắc Kyiv suốt hai năm qua – chia sẻ với tờ Kyiv Independent rằng những đàn Shahed đang trở nên nhanh hơn, mạnh hơn và khó đánh chặn hơn.

Nga đang triển khai các UAV này theo từng tốp lớn, trong đó, đêm 18/5 ghi nhận đợt tấn công bằng UAV lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến, với 273 chiếc được phóng đi chỉ trong một đêm, theo Ukraine.

Không dừng lại ở số lượng, Nga còn trang bị cho Shahed động cơ phản lực, làm gia tăng sức ép cho các hệ thống phòng không Ukraine trên toàn tuyến.

Dữ liệu trích xuất từ các báo cáo của Không quân Ukraine cho thấy tỷ lệ UAV Shahed vượt qua được lưới phòng không ngày càng tăng, dù tổng số UAV được phóng đi có dấu hiệu giảm. Cụ thể, có 111 chiếc lọt qua trong tháng 2; con số này tăng lên 404 vào tháng 3 và 424 vào tháng 4. Trong khi đó, số lượng Shahed được phóng đi lại giảm khoảng một phần ba từ tháng 3 sang tháng 4.

Untitled2.png
Lực lượng Nga đã sử dụng máy bay không người lái Shahed do Iran thiết kế để tấn công Ukraine. Ảnh: AFP.

Động cơ mới, tải trọng lớn hơn

Sự nguy hiểm ngày càng lớn của Shahed đến từ việc chúng được trang bị động cơ phản lực mới, cho phép bay nhanh hơn, mang tải trọng lớn hơn và giữ độ cao ổn định hơn.

Theo ông Oleksiy, phần lớn các UAV Shahed sử dụng động cơ phản lực hiện bay với vận tốc từ 380 đến 400 km/h. Trong nửa cuối tháng 3, radar đơn vị của ông từng ghi nhận một chiếc Shahed đạt tốc độ kỷ lục 477 km/h. Điều đáng chú ý là, cách đây một năm, tốc độ tối đa của Shahed chỉ đạt khoảng 200 km/h.

Tải trọng bom mà các UAV này mang theo cũng đã tăng gấp ba lần – từ khoảng 30 kg lên đến 90 kg. Dù vẫn còn kém xa so với đầu đạn 450 kg của tên lửa hành trình Kh-101, nhưng số lượng Shahed mà Nga tung ra chiến trường vượt trội hơn nhiều.

Động cơ phản lực mới cũng cho phép Shahed đạt độ cao lớn hơn khi cần thiết, với trần bay khoảng 2.000 mét. Trong khi đó, tầm bắn thẳng đứng của súng máy hạng nặng Browning mà ông Oleksiy đang sử dụng chỉ vào khoảng 1.800 mét. Các loại tên lửa phòng không vác vai như Igla của Liên Xô hay Stinger của Mỹ có thể bắn tới độ cao đó, nhưng hiện đang trở nên khan hiếm.

Tuy nhiên, việc trang bị động cơ phản lực cũng khiến Nga gặp phải một số vấn đề. Những động cơ này đắt đỏ hơn đáng kể so với loại động cơ piston hai thì – bản sao của động cơ MD550 do Mỹ sản xuất – từng được sử dụng trên các mẫu Shahed ban đầu. Để lách các lệnh trừng phạt, Nga buộc phải tìm cách nhập khẩu công nghệ động cơ từ phương Tây thông qua những đối tác trung gian.

Khoảng một nửa số UAV Shahed bị radar phát hiện khi bay vào không phận Ukraine được cho là “mồi nhử” – không mang đầu đạn và có chi phí sản xuất thấp hơn, chủ yếu nhằm đánh lạc hướng và tiêu hao hỏa lực phòng không. Nhiều chiếc trong số này xuất hiện trên dữ liệu với ghi chú “mất tích/rơi”.

Về cấu trúc, thân máy của UAV Shahed mỏng manh hơn nhiều so với hình dung thông thường về một loại vũ khí chiến tranh. Khi hoạt động ở độ cao lớn, hơi nước ngưng tụ do nhiệt độ thấp khiến khung máy dễ bị suy yếu. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ phía binh sĩ Ukraine, gần đây Nga đã nâng cấp các UAV này bằng một lớp phủ đặc biệt, giúp chúng chống chịu tốt hơn trong điều kiện độ ẩm cao ở tầng khí quyển trên.

GettyImages-1489471985.jpg
Xác của một chiếc Shahed 136 tại một cuộc triển lãm tên lửa và máy bay không người lái của Nga ở Kiev, Ukraine vào ngày 12/5/2023. Ảnh: Getty.

Chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả

Nga thường sử dụng UAV Shahed ở độ cao thấp – một chiến thuật tưởng đơn giản nhưng ẩn chứa rủi ro đáng kể. Mặc dù bay gần mặt đất khiến chúng dễ trở thành mục tiêu cho các hệ thống phòng không, đổi lại, khả năng bị phát hiện lại giảm đi đáng kể. Radar mặt đất, vốn là trụ cột trong hệ thống nhận diện mục tiêu của Ukraine, thường không thể cung cấp tọa độ chính xác nếu mục tiêu bay ở độ cao thấp hơn đường chân trời.

Trong một lần xuất kích, radar của đơn vị do ông Oleksiy chỉ huy đã phát hiện một chiếc Shahed bay với vận tốc 477 km/h ở độ cao chỉ 300 mét. Đáng chú ý, một số mục tiêu khác thậm chí áp sát mặt đất ở khoảng cách chỉ 100 mét, buộc các tổ phòng không cơ động và hệ thống trinh sát vệ tinh phải chạy đua với thời gian để kịp định vị và khai hỏa.

Theo lời ông Oleksiy, trong những tình huống như vậy, thời gian phản ứng vô cùng ngắn – chỉ khoảng 5-6 giây để phát hiện, khóa mục tiêu và tiêu diệt ngay lập tức. Ông cho rằng, việc được trang bị thêm các hệ thống radar vượt đường chân trời sẽ là một bước tiến lớn đối với các đơn vị như nhóm của ông.

Trước đây, các UAV Shahed thường bay theo lộ trình định sẵn và vận hành gần như hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, hiện nay, một số chiếc dường như đã được lập trình để tránh ánh sáng – đặc biệt là ánh đèn pha mà Svita, một thành viên trong đội, sử dụng để soi tìm mục tiêu trên bầu trời. Ông Oleksiy nhận định rằng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đã nâng cấp thuật toán điều hướng quang học cho các UAV này.

Việc phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường bằng hình ảnh từng buộc các UAV Shahed phải bám theo những tuyến đường quen thuộc trong suốt một thời gian dài. “Hồi trước, chúng chỉ đơn giản là đi theo đường vạch sẵn. Khi đó, rất dễ để tiêu diệt. Giờ thì khác – nếu chiếu đèn pha vào, chúng bắt đầu cơ động, đổi hướng”, ông Oleksiy nói.

Các UAV bay về hướng Kyiv thường bám theo dòng sông Dnipro hoặc tuyến cao tốc Odesa. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng đã thay đổi.

Chỉ huy Oleksiy cho biết: "Giờ đây, một số UAV được điều khiển trực tuyến theo thời gian thực. Chúng không chỉ ghi hình vị trí, quan sát lực lượng phòng thủ của chúng tôi, mà còn chủ động né tránh khi bị phát hiện".

Đáng chú ý, nguồn tin từ điều phối viên các đơn vị phòng không di động tiết lộ với truyền thông rằng nhiều UAV Shahed đời mới còn được tích hợp thiết bị Starlink, giúp duy trì kết nối liên tục với trạm điều khiển tại Nga suốt hành trình bay.

GettyImages-2211081085.jpg
Binh lính Lữ đoàn 115 bắn vào máy bay không người lái ở khu vực Lyman, Donetsk, Ukraine, vào ngày 24/4. Ảnh: Getty.

Tiến bộ trong đánh chặn UAV của Ukraine

Trong hai năm qua, các đội phòng không cơ động của Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc đánh chặn UAV. Chỉ riêng trong tháng Ba, đơn vị của Oleksiy đã tiêu diệt được sáu chiếc Shahed khi chúng bay qua vùng trời mà họ phụ trách. Vũ khí chủ lực của nhóm là các khẩu súng máy Browning hạng nặng được gắn trên xe tải. Một bước ngoặt quan trọng trong thời gian gần đây là việc phổ biến thiết bị tầm nhiệt dọc theo toàn tuyến, hỗ trợ tác chiến hiệu quả ngay cả trong những điều kiện mà đèn pha không thể phát huy tác dụng.

Trang thiết bị mà các đội sử dụng không quá phức tạp, đặc biệt là khi so sánh với các hệ thống phòng không được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, các đơn vị phòng không cơ động buộc phải phối hợp chặt chẽ trên quy mô toàn quốc, bởi Nga thường triển khai nhiều đòn tấn công cùng lúc, kết hợp UAV, tên lửa và các cuộc cất cánh nghi binh của tiêm kích MiG từ các sân bay gần Ukraine.

So với năm 2022, hệ thống thông tin phòng không Ukraine đã có bước nhảy vọt. Ứng dụng Visage - được phát triển ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt - đã cách mạng hóa khả năng theo dõi các cuộc không kích. Hiện Visage đã được tích hợp vào Delta, nền tảng bản đồ và liên lạc chiến trường đang được triển khai trên toàn quân đội Ukraine.

Thậm chí, việc nhắm bắn và khai hỏa bằng thiết bị nhiệt cũng đã được tích hợp với máy tính bảng thông qua một ứng dụng riêng, cho phép các đội phòng không cơ động trên khắp cả nước chia sẻ hình ảnh tác chiến theo thời gian thực.

Ông Oleksiy mở điện thoại, khoe một đoạn video trắng đen nhưng sắc nét, ghi lại khoảnh khắc một đơn vị ở tỉnh Chernihiv bắn trúng một chiếc Shahed đang lao tới – ngay lập tức, nó phát nổ thành một chùm lửa đỏ rực giữa màn đêm. “Đẹp mắt thật đấy, phải không?”, ông Oleksiy nói. “Như trong phim Hollywood vậy”.