Mỹ “suy thoái kỹ thuật”, liệu lãi suất USD sẽ tăng chậm lại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75% vào cuộc họp tháng 7, đồng nghĩa với việc đẩy khung lãi suất Fed mục tiêu lên 2,25-2,5% từ khung 1,5-1,75% của tháng trước.

Tiếp đó là số liệu GDP quý II cho thấy Mỹ đi vào “suy thoái kỹ thuật” khi có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Đỉnh lãi suất và đỉnh lạm phát

Thực tế, thị trường cổ phiếu Mỹ đang có tuần lễ giao dịch đầy bùng nổ, và tháng 7 là tháng giá cổ phiếu tăng tốt nhất kể từ cuối 2020. Chỉ số S&P 500 tăng 9,1% tính từ đầu tháng đến ngày giao dịch cuối tháng 7, mức tăng tính theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 11-2020.

Một phần do nhiều vị thế bán khống đang được đóng lại vì Fed không “diều hâu” hơn dự kiến, phần khác do người ta bắt đầu tin chu kỳ tăng lãi suất sắp đạt đỉnh vì kinh tế xấu nhanh hơn dự kiến.

Báo cáo sau cuộc họp lãi suất tháng trước cho thấy, các quan chức Fed dự đoán mục tiêu lãi suất năm nay khoảng 3,4% và năm sau 3,8%. Nói cách khác, nếu các quan chức Fed không thay đổi quan điểm, đỉnh lãi suất đã rất gần. Những giao dịch của Fed ở New York với các tổ chức tín dụng đang có mức lãi suất bình quân 2,33% vào ngày 28-7, tăng lên từ mức bình quân 1,58% của nhiều ngày trước. Từ 2,33% lên 3,4% chỉ còn khoảng 1%, tương đương với 2 lần tăng lãi suất 0,5% nữa.

Vấn đề là, liệu Fed có thay đổi quan điểm? 3,4% đã được chưa hay cần thêm? Để trả lời câu hỏi này cần phải trả lời câu hỏi: lạm phát đã đạt đỉnh chưa, và khi nào Fed cảm thấy yên tâm lạm phát đã đạt đỉnh và giảm nhanh.

Về câu hỏi lạm phát đạt đỉnh có nhiều đồng thuận hơn. Với việc giá dầu giảm trong tháng 6 và 7, đồng thời nền kinh tế cũng yếu đi, nhiều nhà kinh tế dự đoán con số lạm phát tháng 7 của Mỹ sẽ tốt hơn nhiều. Thông tin GDP quý II giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo sau mức giảm 1,6% của quý I, củng cố thêm quan điểm nền kinh tế đang đến rất gần với suy thoái.

Về mặt kỹ thuật, 2 quý có GDP âm liên tiếp có thể xem là “suy thoái về mặt kỹ thuật”. Tuy nhiên, số liệu thị trường việc làm, lạm phát, số việc làm mới đang được quảng cáo, tốc độ phát triển của khu vực dịch vụ, đặc biệt là những đợt công bố lợi nhuận trong tuần qua của các công ty niêm yết lớn tại Mỹ, lại không cho thấy Mỹ thật sự đi vào suy thoái.

Tăng trưởng chậm lại là đúng, nhưng suy thoái thì không, đó là nhìn nhận của nhiều nhà phân tích chứng khoán lẫn nhà kinh tế từ những số liệu lợi nhuận và vĩ mô của quý II.

Chẳng hạn, Mark Zandi, Kinh tế trưởng của Moody’s Analytics nhận xét: “Chúng ta không ở trong giai đoạn suy thoái, nhưng rõ ràng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại”. Nhưng các số liệu đó cũng không giúp người ta trả lời được câu hỏi “vậy rồi Mỹ sẽ có suy thoái”, “lạm phát đạt đỉnh thật chưa” và câu hỏi tiếp theo “Fed có nên dừng tăng lãi suất?”.

Những tín hiệu “nhiễu”

Việc lạm phát đạt đỉnh và giảm nhanh về mục tiêu dài hạn 2% của Fed là 2 chuyện khác nhau. Lạm phát Mỹ có thể đạt đỉnh đâu đó xung quanh 9%, và bắt đầu giảm. Nhưng nếu lạm phát giảm từ từ nó vẫn có thể tạo ra kỳ vọng lạm phát 5-6% kéo dài sang cả năm sau, và có thể lâu hơn. Đây là mức lạm phát có thể ảnh hưởng tiêu cực nhiều đến hành vi tiêu dùng cũng như đầu tư trong nền kinh tế, kéo nền kinh tế vào trạng thái đình lạm, điều Fed chắc chắn không muốn.

Vì vậy, khi nền kinh tế còn có dấu hiệu chưa bị tổn hại quá nặng do tăng lãi suất, Fed sẽ phải tiếp tục con đường tăng lãi suất với hy vọng kéo lạm phát xuống nhanh.

Có thể hình dung quyết tâm loại bỏ kỳ vọng lạm phát cao trong nền kinh tế là mục tiêu của Fed. Trong khi đó, những tranh luận về suy thoái kinh tế hay khả năng Fed sẽ giảm lãi suất vào năm sau tại thời điểm hiện nay, chỉ là những “tín hiệu nhiễu”.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã đưa ra quan điểm rằng nước Mỹ không rơi vào tình trạng suy thoái, khi thị trường việc làm đang tạo ra gần 400.000 việc làm mỗi tháng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%, mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Với các số liệu của thị trường việc làm như vậy, cộng thêm việc vài khu vực như dịch vụ, chi tiêu tiêu dùng vẫn tăng trong quý II, không thể kết luận Mỹ đang suy thoái. Mà chưa suy thoái Fed còn dư địa để tăng lãi suất để chống lạm phát.

Như nhận xét của nhiều nhà kinh tế, những thủ phạm chính dẫn đến GDP nước Mỹ sụt giảm trong quý II, như sụt giảm mạnh của đầu tư tư nhân (giảm hơn 13%), giảm hàng tồn kho và đầu tư vào hàng hóa lâu bền, đều có liên quan đến sức ép từ lạm phát và nỗi sợ lạm phát gây ra đình đốn trong nền kinh tế, như nhận định của Mark Zandi.

Và vì vậy Fed cần làm gì đó để kiềm chế kỳ vọng về lạm phát, bao gồm tăng lãi suất, duy trì chính sách đảo ngược nới lỏng tiền tệ. Lạm phát cao là gốc rễ của nhiều trục trặc trong nền kinh tế Mỹ hiện nay. Và Fed phải tìm cách hạ nhiệt lạm phát, do đó phải tăng lãi suất, giảm mua trái phiếu. Fed có thể sẽ tăng lãi suất chậm lại, và chu kỳ lãi suất có thể đạt đỉnh ở đâu đó vào đầu năm sau. Nhưng điều đó cũng có nghĩa lãi suất vẫn còn phải tăng tiếp. Đó là bản chất của câu chuyện chính sách tiền tệ hiện nay.

Nhưng hạ nhiệt lạm phát không để kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái không dễ dàng. Fed cần nhiều may mắn, đó là hy vọng người dân tiếp tục chi tiêu và doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trong quá trình Fed tiếp tục tăng lãi suất. Nếu 1 trong 2 động cơ này dừng lại, Mỹ sẽ đi vào suy thoái thật. Và khi đó con đường tăng lãi suất kiềm chế lạm phát sẽ gặp nhiều thử thách hơn. Khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ mong manh hơn bao giờ hết.

Nếu thị trường cổ phiếu Mỹ quá vui vì những diễn biến trong những ngày qua, đẩy mức tăng thị trường đi xa hơn nữa, nhà đầu tư có thể đã vui quá sớm. Lãi suất đồng USD có thể tăng chậm lại, nhưng nó vẫn sẽ tăng và bất định sẽ còn nhiều phía trước.

Trong bối cảnh lãi suất đồng USD có thể tăng chậm lại, nhà đầu tư tổ chức vẫn sẽ tiếp tục giữ tỷ trọng tiền mặt cao kỷ lục và quan sát thêm. Sự hào hứng của thị trường Mỹ nhiều khả năng khó tạo ra bữa tiệc cổ phiếu hoành tráng hơn trong vài tháng tới. Nhạc vẫn chưa mở và bữa tiệc vẫn chưa bắt đầu.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Theo SGĐTTC