Chuyên gia đề xuất thừa nhận tập đoàn tài chính là một pháp nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hai chuyên gia Phạm Xuân Hòe và Nguyễn Trí Hiếu đã có những chia sẻ về giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

Tại hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với CLB Café Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam và ông Nguyễn Trí Hiếu, người từng lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ, đã có những chia sẻ về giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

Khó kiểm soát trong điều kiện không minh bạch

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe cho rằng hiện chưa có khái niệm chính thức thống nhất nhưng mô hình chung của một tập đoàn tài chính (Financial Business Group) bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm một hoặc nhiều các công ty con.

DOM08526.JPG
Ông Phạm Xuân Hòe trao đổi tại hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”. Ảnh: Đình Huy.

Trong đó, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh.

Mô hình hoạt động này có hạn chế là việc sở hữu chéo chằng chịt, vô cùng khó kiểm soát trong điều kiện không minh bạch. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe nêu đề xuất về giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính lành mạnh với hai điểm quan trọng.

Thứ nhất, cần minh bạch và thực thi công tác quản lý, giám sát đầy đủ, khách quan trung thực và phải nâng các chuẩn mực tài chính.

Thứ hai, tăng cường giám sát hợp nhất. Theo ông Hòe, nếu là mảng ngân hàng thì Thanh tra Ngân hàng Nhà nước giám sát, mảng bảo hiểm thì Bộ Tài chính giám sát, mảng khác thì có thêm Uỷ ban Chứng khoán.

Mr Hoe 12.jpg
Ông Phạm Xuân Hòe nêu thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam. Ảnh: Đình Huy.

Gợi mở về giải pháp quản lý Tập đoàn tài chính, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng cần minh bạch về thu nhập cá nhân, kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ của công ty con. Việc giám sát theo chuyên ngành đã hình thành, nay cần chuyên sâu và nâng tầm về phối hợp cơ quan giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.

Tập đoàn tài chính cần có một cấu trúc tổ chức và quản lý minh bạch, nhất quán với chiến lược tổng thể, định hướng quản trị rủi ro và được ban quản trị, quản lý cấp cao của công ty hay ngân hàng thương mại đứng đầu tập đoàn tài chính hiểu rõ.

“Các chủ sở hữu lớn, các thành viên ban quản trị, quản lý cấp cao và những người nắm giữ vị trí quan trọng trong một tập đoàn tài chính phải đáp ứng những điều kiện nhất định”, ông Hòe nói.

Về dài hạn, theo ông Hòe, cần thừa nhận tập đoàn tài chính là một pháp nhân. Từ đó, cần có lộ trình nâng tầm các quy định rõ như vốn tối thiểu và thanh khoản. Đồng thời, xây dựng các chính sách về vốn tối thiểu, quản lý vốn và thanh khoản cao hơn so với hoạt động đơn thuần của một ngân hàng thương mại.

Cần có quy định về trách nhiệm thành viên độc lập trong HĐQT

Trao đổi tại hội thảo ở góc độ một người từng lập ngân hàng tại Mỹ, hiểu chính sách Mỹ, những mô hình các tập đoàn tài chính, cách thức giám sát hoạt động của các ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới hoạt động của một số tập đoàn tài chính hiện này còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong đó phải kể tới các thành viên độc lập trong HĐQT hiện nay là những “bù nhìn” do cơ chế, cơ cấu.

MR. Nguyễn Trí Hiếu.jpg
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, người lập ngân hàng Việt đầu tiên tại Mỹ vào năm 2005. Ảnh: Đình Huy.

Ông Hiếu nêu thực tế các tập đoàn tài chính ở Việt Nam đều sử dụng template (mẫu biểu) chung, áp dụng cho các cuộc họp. Trong đó nêu rõ bao nhiêu người đồng ý, bao nhiêu người không đồng ý. Khi cuộc họp kết thúc, thư ký lập tức in biên bản họp HĐQT và đưa các thành viên tham dự đọc và ký biên bản trong vòng 10 phút.

“Thời gian đó không đủ để các thành viên HĐQT đọc, nghiên cứu, cho ý kiến. Mọi người ký là bút sa gà chết”, chuyên gia Hiếu nói và gay gắt phản ánh cách làm việc của các vị thành viên HĐQT độc lập khi đa phần ngồi trong hội đồng là để ăn lương, gật đầu đồng ý theo quyết sách của Chủ tịch HĐQT.

Đáng lẽ các thành viên độc lập trong hội đồng phải nói lên tiếng nói của 90% cổ đông bên ngoài. Vì thế, ông Hiếu cho rằng Nhà nước nên có quy định về việc lập biên bản của HĐQT, trách nhiệm của các thành viên độc lập trong HĐQT.

Người từng lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ dẫn cách mà HĐQT của các tập đoàn tài chính tại Mỹ làm việc. Các biên bản HĐQT đều rất chi tiết, có nêu rõ ai là người đề xuất ý kiến, ai là người ủng hộ. Nếu có một người ủng hộ ý kiến đó thì ý kiến sẽ được đem ra thảo luận. Các ý kiến khác từ ủng hộ đến phản đối đều được ghi chi tiết trong biên bản HĐQT.

Ông chia sẻ về cách thức giám sát hoạt động của các tập đoàn tài chính tại Mỹ. Những ngân hàng thuộc về các tập đoàn tài chính được quy định theo Bank Holding Act sẽ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (hay Ngân hàng Trung ương Mỹ - Fed) thanh tra.

Ông Hiếu cho biết, Bank Holding Act có quy định chặt chẽ về hoạt động của các tập đoàn tài chính và các công ty con, đặc biệt là các quy định chuyển giá để ngăn chặn việc các công ty con cho nhau vay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng vay lãi suất ưu đãi, với điều kiện dễ dàng, đưa đến rủi ro, khủng khoảng.

"Việt Nam nên có đạo luật về quản lý tập đoàn tài chính”, ông Nguyễn Chí Hiếu đề xuất.

Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%; của tổ chức từ 15% xuống 10%. Ngoài ra, các ngân hàng phải công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đến nay mới có 23/31 ngân hàng công bố danh sách này. Theo tìm hiểu của VietTimes, nhiều lãnh đạo và người thân của lãnh đạo ngân hàng đang sở hữu cổ phần vượt trần.

Hiện, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 quy định các cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 1/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.