Mạnh tay “xóa sổ” ngân hàng cố tình vi phạm
Tại hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp Câu lạc bộ Cafe Số thực hiện sáng 5/12, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu - người từng lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ, nguyên thành viên HĐQT độc lập của An Bình Bank - cho rằng tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng tại Việt Nam từng diễn ra dễ dàng, bắt nguồn từ việc sử dụng tiền đi vay để mua cổ phiếu.
Ông Hiếu dẫn chứng cá nhân A đến vay tiền của ngân hàng B để mua cổ phiếu của ngân hàng này. Khi có cổ phiếu của ngân hàng B, ông A lại đem đến thế chấp cho ngân hàng C để vay tiền. Có tiền, ông A lại dùng số tiền đó để mua cổ phiếu của ngân hàng C.
Ông Hiếu cho rằng điều này không chỉ sai nguyên tắc về kế toán mà còn sai nguyên tắc về quản trị. Việc sở hữu chéo hiện nay chính là hệ quả từ hành động vay tiền để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng trong quá khứ.
Lấy ví dụ từ Mỹ, ông Hiếu cho biết hệ thống ngân hàng nước này quy định rất chặt chẽ. Tất cả các cá nhân, cổ đông muốn thành lập ngân hàng nguồn vốn phải là tiền tiết kiệm cá nhân, không được phép đi vay để đầu tư vào ngân hàng.
"Người sáng lập phải cam kết, tuyên thệ những điều mình khai về nguồn vốn là sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Hiếu nói.
Ở Việt Nam, theo ông Hiếu, hiện nay hệ thống ngân hàng đã minh bạch hơn nhiều. Luật Các tổ chức tín dụng đã sửa đổi nhằm giới hạn quyền sở hữu cổ phiếu ngân hàng, nhưng ông cho rằng vấn đề không nằm ở việc hạ thấp tỷ lệ, mà ở chỗ các tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ quy định.
Chia sẻ kinh nghiệm làm ngân hàng ở Mỹ, ông Hiếu cho biết việc sở hữu cổ phiếu ngân hàng tại Mỹ không bị giới hạn tỷ lệ, thậm chí người sáng lập có thể sở hữu 100% với điều kiện chứng minh được nguồn vốn hợp pháp, không phải tiền vay mượn và có kế hoạch vận hành rõ ràng.
"Ở bên Mỹ không bao giờ có chuyện xảy ra như ngân hàng SCB, tinh thần pháp luật bên Mỹ rất cao", ông nói và cho biết hệ thống thanh tra của họ được vận hành nghiêm ngặt với sự tham gia của nhiều cơ quan độc lập như Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang và Cơ quan quản lý ngân hàng tiểu bang.
Từ đó, ông Hiếu đề xuất rằng việc thanh tra ngân hàng tại Việt Nam cần được quy định lại, có chế tài nghiêm ngặt, xử phạt nghiêm minh đối với ngân hàng vi phạm. Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian cụ thể cho các ngân hàng khắc phục vi phạm. Sau thời hạn này, nếu các ngân hàng không thực hiện đúng quy định, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp mạnh như rút giấy phép hoạt động.
Kiểm tra nguồn gốc vốn góp để đảm bảo tính minh bạch
Cũng đề cập đến việc giám sát và thanh tra hoạt động ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nhận thấy công tác giám sát và thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập.
Đưa ra ví dụ về trường hợp của Ngân hàng SCB, ông Nghĩa nói tồn tại kéo dài trong nhiều năm, không minh bạch mà không ai xử lý. Theo chuyên gia, nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý, tình trạng này khó có thể thay đổi.
Về Luật các tổ chức tín dụng mới, TS Lê Xuân Nghĩa nói tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất. Ông Nghĩa cho rằng việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo sự minh bạch. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại việc thực hiện điều này sẽ gặp nhiều khó khăn do tính minh bạch chung còn thấp.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Song ông cho rằng việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.
Ông Nghĩa đề xuất Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến một năm. Đồng thời, ông cho rằng cơ quan quản lý không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ sở hữu, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.
Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%; của tổ chức từ 15% xuống 10%. Ngoài ra, các ngân hàng phải công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đến nay mới có 23/31 ngân hàng công bố danh sách này. Theo tìm hiểu của VietTimes, nhiều lãnh đạo và người thân của lãnh đạo ngân hàng đang sở hữu cổ phần vượt trần.
Hiên, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 quy định các cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 1/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.