Mỹ sẽ buộc Trung Quốc trả giá đắt cho hành động hiếu chiến

VietTimes -- Nếu Mỹ muốn kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh, chiến lược của Washington phải hướng tới việc buộc Trung Quốc trả giá đắt cho các hành động hiếu chiến. Washington phải củng cố vững chắc liên minh châu Á, chuyên gia Mỹ đề xuất.
Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế The Lague
Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế The Lague

Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế dẫn đến một câu hỏi tất yếu mà cả thế giới quan tâm: Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào? Mỹ và các quốc gia đồng minh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn ra sao?

Ngày 12.07.2016, Tòa án Trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc về những yêu sách đòi hỏi chủ quyền ngang ngược trong tranh chấp trên Biển Đông.

Tuyên bố của Bộ ngoại giao Philipine về phán quyết của PCA

Toàn thế giới đều tập trung sự chú ý vào kết quả cuối cùng, phán quyết của vụ án kéo dài 3 năm. Cộng đồng quốc tế đánh giá đây là một kết cục tất yếu nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, quốc gia đang trỗi dậy và đe dọa trật tự quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bản thân nội dung phán quyết không có bất ngờ lớn. Đúng theo dự kiến, kết quả của phán quyết ủng hộ các luận cứ của Philippines, khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về vấn đề "chủ quyền lịch sử" đối với hầu hết diện tích Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Về phần mình, Bắc Kinh tiếp nhận với những tuyên bố phản kháng đầy tức giận và bác bỏ hoàn toàn phán quyết của Tòa quốc tế.

Vấn đề thực sự là những gì sẽ xảy ra tiếp theo? Phán quyết của Tòa án quốc tế dẫn đến một câu hỏi tất yếu mà cả thế giới quan tâm: Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào? Từ dự báo những phản ứng của Bắc Kinh, Mỹ và các quốc gia đồng minh có thể thực hiện các biện pháp nào phòng ngừa và ngăn chặn.

Có được kết quả thuận lợi trong phán quyết của Tòa án quốc tế đối với đồng minh thân cận của Mỹ, Washington không nên hiểu một cách sai lầm rằng kết quả đó khẳng định sự đúng đắn của chiến lược tiếp cận và xử lý hàng loạt các tranh chấp, trải dài trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Philippines chỉ là một trong tám nước có những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên vùng nước châu Á-Thái Bình Dương.

Cho đến thời điểm này, Mỹ dành hầu hết sự chú ý vào gia tăng sức mạnh quân sự. Những hoạt động gần đây nhất cho thấy Nhà Trắng đã thành công trong thỏa thuận sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, tăng cường vị thế của Hạm đội 7 nhằm trấn an đồng minh và đáp trả các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Nhưng tất cả các biện pháp đó liệu có ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh và đảm bảo kiềm chế được một Trung Quốc đang không hài lòng với trật tự hiện có?

Mặc dù có sự phát triển vượt bậc về quân sự, nhưng thủ đoạn thực sự mang tính quyết định của Bắc Kinh trên Biển Đông và biển Hoa Đông là kinh tế. Đến thời điểm này Washington phát triển chiến lược có hiệu quả, nhận được những phản ứng theo đúng dự kiến và có được kết quả thuận lợi. Nhưng Mỹ không quá hy vọng rằng phán quyết của Tòa Trọng tài, các cuộc diễn tập chung và triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ quốc gia đồng minh có thể kiềm chế Trung Quốc. Không nên chủ quan cho rằng Bắc Kinh sẽ không tiếp tục thay đổi nguyên trạng Biển Đông hoặc triển khai lực lượng quân sự trên các đảo nhân tạo.

Buộc phải chấp nhận thực tế sức mạnh thống trị quân sự của Hải quân Mỹ  trên Thái Bình Dương, Trung Quốc đã và đang sử dụng sức mạnh kinh tế nhằm hiện thực hóa ý đồ thống trị Biển Đông và biển Hoa Đông. Một trong những ví dụ điển hình: Khi Philippines tìm cách bảo vệ tuyên bố chủ quyền trên bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh thể hiện sự không hài lòng bằng cách không cho phép người Philippines xuất khẩu nông sản khiến hàng hóa bị thối rữa trên các bến cảng Trung Quốc, ngăn chặn ngư dân Philippines đến các vùng ngư trường truyền thống nhằm đánh vào sinh kế của họ, hạn chế du lịch của người Trung Quốc đến Philippines.

Tokyo cũng nhận được những đòn trừng phạt kinh tế đáng kể trong năm 2010, khi Trung Quốc cấm xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản. Biện pháp này được thực hiện khi gia tăng căng thẳng giữa hai nước sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Sự cố này đã khiến ngành công nghiệp Nhật Bản không sản xuất được hàng hóa trong một thời gian dài.

Bất cứ nhà phân tích nào dõi theo những thủ đoạn kinh tế tiếp diễn sau những tranh chấp sẽ hoàn toàn ngạc nhiên trước những gì có thể xảy ra tiếp theo. Sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, đòn trả đũa kinh tế một lần nữa có thể là phản ứng tiềm năng nhất của Bắc Kinh trong tương lai gần.

Tại thời điểm này, nhiều bình luận viên Trung Quốc đưa ra gợi ý: "Biện pháp khả thi nhất hiện này là Trung Quốc tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Philippines". “Bắc Kinh tin tưởng rằng việc thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế Philippines ... sẽ làm cho các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Malaysia và Indonesia có thái độ thận trọng hơn về vấn đề biển Đông".

Sự kết hợp giữa cây gậy và củ cà rốt kinh tế là một trong những biện pháp ưa thích của Bắc Kinh trong việc xử lý những tranh chấp trên Biển Đông. Khi Trung Quốc tìm cách công khai hạ thấp vai trò Tòa trọng tài Quốc tế, Bắc Kinh cũng đưa ra các mô hình ưu đãi và trừng phạt kinh tế với những quy mô khác hẳn những hoạt động kinh tế thường xuyên.

Theo chuyên gia Jennifer Harris, vào giữa năm 2014, khi căng thẳng trên biển gia tăng đến mức cận kề xung đột vũ trang, Việt Nam đưa ra cảnh báo có thể tiến hành những hoạt động pháp lý chống lại Trung Quốc. Lúc đó Bắc Kinh đáp trả bằng biện pháp đóng băng dòng tín dụng cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng đang thực hiện ở Việt Nam, buộc một số dự án phải tái cơ cấu lại nguồn vốn và một số dự án khác bị dừng hoạt động. Bắc Kinh cũng ngăn chặn dòng du lịch Trung Quốc, cắt nguồn thu từ thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam.

Thông điệp của Bắc Kinh rất rõ ràng: cái giá của những thách thức chống lại tuyên bố đòi hỏi “chủ quyền phi pháp” của Trung Quốc có thể theo đúng nghĩa đen là rất cao, cao đến mức các quốc gia Đông Nam Á khó có thể chịu được.

Những ưu đãi và biện pháp trừng phạt kinh tế này có hiệu quả với Philipines, Indonesia, Malaisia, Campuchia và nhiều nước khác. Trung Quốc cũng đạt được một số thành quả nhất định, nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn, có thể nhiều hơn nữa. Bắc Kinh muốn các quốc gia liên quan phải thừa nhận những tuyên bố “chủ quyền phi pháp” của Trung Quốc và không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Trung Quốc quyết tâm làm được điều đó.

Trong những tranh chấp làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế thực sự là một tin tốt. Nhưng Washington không nên dùng kết quả này như một minh chứng cho phương pháp tiếp cận hiện nay.

Chiến lược của Washington đến lúc này tập trung vào việc khẳng định rõ nghĩa vụ của Trung Quốc là phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế, đồng thời mở rộng sự hiện diện của hải quân Mỹ  trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đó là điều kiện cần, nhưng hoàn toàn chưa đủ.

Nếu Mỹ muốn kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh, chiến lược của Washington phải hướng tới việc buộc Trung Quốc trả giá đắt cho các hành động hiếu chiến. Washington phải củng cố vững chắc liên minh châu Á, có thể thông qua TPP và các hiệp định thương mại tự do giúp các nước này không còn quá phụ thuộc kinh tế vào các hoạt động thương mại đầu tư với Trung Quốc, hình thành tuyến phòng thủ cứng rắn chống lại các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Trong 60 năm qua, Mỹ xây dựng hệ thống đồng minh ở châu Á và trang bị cho các quốc gia khả năng chiến đấu tốt nhất mà thế giới hiện đại từng biết đến. Vấn đề hiện nay là, hệ thống liên minh này cần phải học các kỹ năng mới phù hợp với cuộc đấu tranh kinh tế mà Trung Quốc đang tiến hành,  đáng tiếc là chỉ cho đến ngày hôm nay, Washington thậm chí mới nhận ra rằng, kỹ năng này thực sự là cần thiết.

* Tác giả Jennifer Harris: thành viên cao cấp thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York TTB