Mỹ ra sức tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trước khi có chính quyền mới

VietTimes -- Mặc dù Mỹ và Ấn Độ đều không điểm danh Trung Quốc là một nguyên nhân để họ tăng cường hợp tác, nhưng các quan chức hai nước đều nhấn mạnh phải xây dựng "trật tự dựa trên quy tắc" ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar trong cuộc họp báo ở Thủ đô Washington, Mỹ ngày 29/8/2016. Ảnh: Cankao
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar trong cuộc họp báo ở Thủ đô Washington, Mỹ ngày 29/8/2016. Ảnh: Cankao

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 18/12 dẫn báo chí Mỹ cho hay mặc dù sắp phải rời khỏi chức vụ nhưng trong chuyến thăm Ấn Độ vào ngày 7/12/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã có những nỗ lực cuối cùng để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn.

Bởi vì, cùng với việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh trong khu vực, Ấn Độ có thể chứng minh họ là một đồng minh rất quan trọng của Mỹ và chính quyền Mỹ đã nỗ lực để chứng minh điều đó.

Theo báo chí Mỹ, trong nhiều năm qua, quan hệ Mỹ - Ấn luôn không ngừng phát triển. Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Barack Obama đã tìm cách thúc đẩy chiến lược châu Á để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, kéo theo đó là quan hệ Mỹ - Ấn được tăng cường.

Nhưng tình hình giữa tốt và xấu của "liên minh" Mỹ - Ấn là ngang nhau. Chỉ đến thời gian gần đây Mỹ mới bắt đầu xâm nhập quy mô nhỏ vào thị trường quốc phòng Ấn Độ. Nội bộ Ấn Độ vẫn giữa thái độ hoài nghi nhất định với triển vọng xây dựng quan hệ vững chắc hơn với Mỹ. Sự hoài nghi này vẫn tiếp tục tồn tại.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm New Delhi, ông Ashton B. Carter nói với báo chí rằng: "Ấn Độ và Mỹ chắc chắn là đối tác chiến lược". Từ năm 2008 trở đi, quan hệ Mỹ - Ấn "phát triển nhảy vọt".

Binh sĩ Mỹ và Ấn Độ trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Cankao
Binh sĩ Mỹ và Ấn Độ trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Cankao

Balart Gopalaswami, chủ nhiệm Trung tâm Nam Á, Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ (có trụ sở tại Washington) cho rằng từ khi Mỹ và Ấn Độ ký kết một hiệp định về vấn đề hạt nhân dân dụng đến nay, "quan hệ an ninh giữa hai nước luôn nằm trong quỹ đạo từng bước tiến lên".

Trong vài tháng gần đây, Mỹ và Ấn Độ lại ký kết vài hiệp định, bao gồm một bản ghi nhớ thỏa thuận cung ứng hậu cần quân sự. Hiệp định này cho phép hải quân hai nước Mỹ - Ấn tiếp nhận sự ủng hộ hậu cần của căn cứ đối phương.

Ông Ashton B. Carter luôn nhấn mạnh các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ đang gia tăng, khẳng định chiến lược "quay trở lại châu Á" của Mỹ và chính sách “hành động hướng Đông” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ăn khớp với nhau.

Chính sách “hành động hướng Đông" của ông Narendra Modi là một chính sách ngoại giao thúc đẩy hiện diện và các quan hệ của Ấn Độ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Mặc dù hai nước Mỹ và Ấn Độ đều không điểm danh Trung Quốc là một nguyên nhân để họ tìm cách tăng cường hợp tác, nhưng các quan chức hai nước đều nhấn mạnh phải xây dựng "trật tự dựa trên quy tắc" ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter nhấn mạnh, các hành động của Trung Quốc đã làm cho mối quan hệ giữa họ với các nước ở khu vực này trở nên xa lánh. Mỹ phải duy trì ưu thế quân sự trước Trung Quốc, đồng thời tìm mọi cách để thúc đẩy hợp tác.

Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác chặt chẽ về quân sự hoàn toàn trái ngược với cách làm trong quá khứ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ là nước thành viên của phong trào không liên kết, tránh bất cứ hợp tác nào như vậy.

Binh sĩ Quân đội Ấn Độ trong ngày Độc lập. Ảnh: Cankao
Binh sĩ Quân đội Ấn Độ trong ngày Độc lập. Ảnh: Cankao

Nhưng, những năm gần đây, tình hình này đã không ngừng thay đổi, đặc biệt là sau khi ông Narendra Modi lên làm Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2014. Trong thời gian thăm Mỹ vào tháng 6/2016 của ông Narendra Modi, Mỹ xác định Ấn Độ là một "đối tác quốc phòng quan trọng".

Quá khứ phức tạp giữa Ấn Độ và Mỹ cũng phản ánh trong việc mua sắm vũ khí của họ. Mặc dù Chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Mỹ sẽ vui mừng nhận được cơ hội bán nhiều vũ khí trang bị hơn cho Ấn Độ, nhưng vài chục năm qua, New Delhi đều mua vũ khí từ Liên Xô (Nga hiện nay).

Gần đây, cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và ông Nawaz Sharif, Thủ tướng Pakistan (đối thủ lâu dài của Ấn Độ) đã làm cho quan hệ đang phát triển nhanh chóng Mỹ - Ấn tiếp tục trở nên phức tạp.

Nội dung cuộc điện đàm này được Bộ Ngoại giao Pakistan công bố cho thấy ông Donald Trump rất ca ngợi đối với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Nhà nghiên cứu Balart Gopalaswami cho rằng: "Giống như chính phủ rất nhiều nước khác, Chính phủ Ấn Độ cũng cảm thấy có chút căng thẳng, bất an với chính quyền Donald Trump".

Nhưng, về khả năng gây ảnh hưởng "rõ rệt" của cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Mỹ và Thủ tướng Pakistan, nhà nghiên cứu  Balart Gopalaswami đã bày tỏ "nghi ngờ".

Theo  Balart Gopalaswami: "Những lo ngại cuộc điện đàm này sẽ tạo ra thách thức cho quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn đã bị thổi phồng".