Nga ra đòn khiến Mỹ và đồng minh thất thế tại Syria

VietTimes -- Theo Unz Review, trong vòng 5 năm qua, chính các thế lực bên ngoài chứ không phải các phe phái bên trong Syria đã quyết định ai là người thắng, kẻ thua trên chiến trường. Chiến dịch can thiệp quân sự lâu dài của Nga từ tháng 9/2015 đã tạo nên cân bằng quyền lực nghiêng về hướng có lợi cho ông Assad.
Chiến dịch quân sự của Nga đã thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường Syria
Chiến dịch quân sự của Nga đã thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường Syria

Quân đội Syria đã chiếm được các quận còn lại do phiến quân chiếm giữ ở miền đông Aleppo, đây sẽ là chiến thắng lớn nhất trong 5 năm nay. Phiến quân lúc đầu ước tính khoảng 8.000 đến 10.000 người đã rút lui hoặc bỏ cuộc sau những trận chiến khốc liệt.

Theo Unz Review, tổng thống Syria Bashar al-Assad chắc chắn sẽ đè bẹp bất kỳ sự chống đối còn sót nào để có thể tuyên bố sự sụp đổ của đông Aleppo chính là bước ngoặt quyết định trong cuộc xung đột.

Nga đã huy động cả không quân chiến lược vào chiến dịch quân sự tại Syria
Nga đã huy động cả không quân chiến lược vào chiến dịch quân sự tại Syria

Có nhiều nước đưa ra những chương trình nghị sự khác nhau trong cuộc nội chiến Syria. Nhưng điều thực sự quan trọng mà người ta đã chứng kiến ở Aleppo là những đồng minh bên ngoài của phe đối lập với Assad  bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út, Qatar và Mỹ đều không đến giải cứu phiến quân mà họ ủng hộ.

Theo Unz Review, trong vòng 5 năm qua, chính các thế lực bên ngoài chứ không phải các phe phái bên trong Syria đã quyết định ai là người thắng, kẻ thua trên chiến trường. Khi Assad thua, ông cầu viện sự hỗ trợ từ Nga, Iran, Iraq và lực lượng Hezbollah. Tương tự, phiến quân cũng tìm kiếm các đồng minh bên ngoài khi họ đang ở thế yếu. Lần này điều đó đã không xảy ra. Chiến dịch can thiệp quân sự lâu dài của Nga từ tháng 9/2015 đã tạo nên cân bằng quyền lực nghiêng về hướng có lợi cho ông Assad.

Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria

Thổ Nhĩ Kỳ không được thế lực bên ngoài nào ủng hộ và cũng đang vướng trong cuộc xung đột với người Kurd và IS. Ankara chọn cách bỏ rơi số phận phiến quân cố thủ đông Aleppo. Mối quan tâm lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là nguy cơ hình thành đất nước tự xưng của người Kurd ở Syria đã trải rộng ra phía bắc Syria, ngay phía nam của nước này. Cuộc đảo chính thất bại hôm 15/7 và cuộc thanh trừng sau đó đã dấy lên mối ngờ vực rằng liệu Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể can thiệp hiệu quả đến đâu vào giai đoạn này của cuộc chiến.

Ả Rập Xê út đã thay thế Qatar  trở thành đồng minh Ả Rập lớn nhất của phe nổi loạn kể từ năm 2013. Đến tận gần đây, Ả Rập Xê út và các nước trong Vịnh Ả Rập vẫn tin rằng tổng thống Assad sẽ bị đánh bại và lật đổ như Muammar Gaddafi ở Lybia năm 2011. Họ phóng đại khả năng can thiệp quân sự của Mỹ chống lại ông Assad, cho dù tổng thống Obama đã tuyên bố rõ ràng mong muốn không bị sa lầy vào Trung Đông một lần nữa, sau cuộc chiến ở Iraq và Afganistan.

Thực tế, ông Assad có thể luôn giữ được quyền lực vì những tầng lớp cao trong bộ máy của ông rất đoàn kết và ông Assad cũng có một quân đội hùng mạnh. Song trên hết, vì Nga và Iran luôn cam kết lớn hơn tới sự sống còn của chế độ Assad hơn là những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út, Qatar và Mỹ cam kết với việc thay đổi chế độ ở Syria.

Nhưng những chiến quả quân sự của ông Assad cũng có những hạn chế nhất định. Điều này được nhấn mạnh bởi sự tái chiếm thành phố Palmyra của quân IS, những kẻ tàn bạo lại một lần nữa hành quyết các binh sĩ chính phủ Syria ngay trên đường phố. Quân đội Syria, giống như mọi nhóm chiến binh khác trong cuộc nội chiến Iraq- Syria, đều thiếu binh sĩ để bù lấp cho con số thương vong. Đây là một lý do tại sao đàn ông trong độ tuổi quân sự rời khỏi miền đông Aleppo lại được tuyển thẳng vào quân đội.

Phiến quân Syria thua tơi tả trên nhiều mặt trận và khó gượng lại sau thất bại tại Aleppo
Phiến quân Syria thua tơi tả trên nhiều mặt trận và khó gượng lại sau thất bại tại Aleppo

Cuộc xung đột đã và vẫn sẽ là nội chiến chủ yếu giữa phe Hồi giáo dòng Sunni và phe còn lại về phương diện dân tộc và xã hội. Lực lượng an ninh Syria có thể chiếm được vùng nghèo nhất và tín đạo nhất của Aleppo, nhưng vùng nông thôn xung quanh Aleppo lại là khu vực dòng Sunni chiếm ưu thế. Những khu vực thành thị có xu hướng ủng hộ chính phủ, trong khi các vùng nông thôn Hồi giáo Sunni lại là căn cứ địa cho phe nổi loạn.

Những vùng này có thể vẫn chiến đấu chống ông Assad, đặc biệt là khi quân đội chính phủ chuyển sang tấn công tỉnh Idlib xuống miền tây Aleppo. Có những khu vực gần như chỉ có người Sunni sinh sống gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ vẫn có khả năng nhận được hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội chính phủ càng chiếm được nhiều lãnh thổ thì họ càng phải căng lực lượng giữ và bảo vệ nhiều hơn. Các đối thủ của chính phủ Syria hy vọng họ sẽ dễ bị tổn thương trước chiến tranh du kích và sẽ không bao giờ có thể tái khẳng định quyền kiểm soát trên toàn đất nước Syria. Họ có thể đúng, điều này phần nhiều phụ thuộc vào thái độ của các thế lực bên ngoài, nhưng nhiều người Syria vẫn luôn nói rằng cuộc đấu giành Aleppo sẽ quyết định cuộc chiến.