Mỹ quyết “phá trận” đảo nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông

VietTimes -- Các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) đã công bố một tấm bản đồ cho thấy Trung Quốc thiết lập năng lực chống tiếp cận tại Biển Đông dựa trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép.
Đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc biến thành một pháo đài
Đá Gạc Ma đã bị Trung Quốc biến thành một pháo đài

Theo Foxtrotalpha, một trong các đảo được cấp tập xây dựng ở phía bắc Biển Đông là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã được triển khai tên lửa đất đối không và chiến đấu cơ. Động thái này đã được các nhà phân tích quân sự dự báo từ nhiều năm trước và đó có thể là dấu hiệu cho thấy sẽ diễn ra tại các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép khác trên Biển Đông.

Cũng có những bằng chứng về việc Trung Quốc triển khai hệ thống radar tầm xa trên đá Châu Viên, một trong các đảo nhân tạo nằm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Loại radar này được cho là có thể sử dụng để phát hiện các tàu bè, máy bay ở khoảng cách cực xa vượt đường chân trời và trên lý thuyết có thể phát hiện cả máy bay tàng hình trong một một số điều kiện nhất định.

Đó chỉ là một trong nhiều hệ thống radar được lắp đặt trên đảo này và các đảo nhân tạo khác, cho thấy sự hiện diện của một năng lực như vậy bộc lộ nhiều bằng chứng hơn rằng Trung Quốc đang tích cực xây dựng một chiến lược chống tiếp cận hiếu chiến ở Biển Đông.

Đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc tại Trường Sa là đá Chữ Thập xây đường băng dài 3.000m, có thể hoạt động các máy bay ném bom và máy bay vận tải cỡ lớn nhất của Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc đang bành trướng khả năng quân sự của mình trên các đảo nhân tạo đang ráo riết xây dựng ở Biển Đông.

Không nghi ngờ rằng nguy cơ gióng lên hồi chuông báo động về việc tạo ra hàng loạt các khu vực kiểm soát chồng lấn, được hậu thuẫn bởi các chiến hạm và tên lửa phòng không, cũng như chiến đấu cơ và máy bay giám sát biển và máy bay tấn công.

Tuy nhiên, Mỹ đã không khoanh tay đứng nhìn và thể hiện thái độ ngày càng cứng rắn. Tuần qua, siêu tàu sân bay USS John C. Stennis, hai khu trục hạm, hai tuần dương hạm và kỳ hạm Hạm đội 7 Mỹ USS Blue Ridge đã tiến vào Biển Đông. Đợt biểu dương lực lượng lớn mang tính thị uy này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao do Trung Quốc đẩy nhanh việc quân sự hóa Biển Đông.

Trong những tháng gần đây, quân đội Mỹ đã điều nhiều chiến hạm khác nhau thực hiện nhiệm vụ tuần tra thực thi tự do hàng hải, bao gồm nhiều tàu khu trục, tuần dương hạm, tàu tác chiến ven bờ và tàu tấn công đổ bộ, nhưng chưa bao giờ Mỹ biểu dương lực lượng quy mô lớn đến vậy.

Foxtrotalpha nhận định đây là thay đổi chiến lược của Mỹ sử dụng thay vì chỉ hiện diện tạm thời tại khu vực. Chính quyền ông Obama nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và cách thị uy tốt nhất là điều một cụm tác chiến tàu sân bay hùng mạnh tới khu vực. Và đây chính xác là việc đang diễn ra.

Đá Xu bi đang được Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây dựng thành căn cứ quân sự kiên cố với đường băng dài 3.000m
Đá Xu bi đang được Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây dựng thành căn cứ quân sự kiên cố với đường băng dài 3.000m

Sự hiện diện của cụm tác chiến tàu sân bay Stennis, cùng với các tuần dương hạm và soái hạm USS Blue Ridge phát đi một thông điệp đanh thép với Trung Quốc về bản chất của Biển Đông và ý định của Mỹ sẵn sàng thách thức bất cứ yêu sách chủ quyền phi lý nào của Trung Quốc với sự biểu dương sức mạnh quân sự quy mô lớn.

Không dừng ở đó, Mỹ đã kêu gọi thành lập một liên minh mới nhằm duy trì một sự hiện diện bền vững tại Biển Đông, bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Thêm Ấn Độ với sức mạnh hải quân đang phát triển mạnh, như một đối tác tham gia vào một liên minh như vậy thực sự là một thành công phi thường đối với Mỹ

Ba cường quốc khu vực cùng với Mỹ đã thông báo họ sẽ tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông trong năm nay. Động thái trên chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức tối, nhưng cũng cho thấy Trung Quốc sẽ không thể độc chiếm một trong các tuyến đường biển lớn và quan trọng nhất thế giới, cũng như một vùng biển giàu dự trữ năng lượng và hải sản, mà không bị thách thức.

T.N