Hôm đầu tuần này, Quốc hội Mỹ đã thông báo cho Bộ Ngoại giao rằng họ đã phê chuẩn thương vụ vũ khí này, trong đó sẽ bàn giao cho phía Đài Loan 108 xe tăng M1A2T Abrams, các trang thiết bị đi kèm, và khoảng 250 tên lửa Stinger. Đây là 2 loại vũ khí mà phía Đài Loan yêu cầu mua từ trước.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố hồi tháng 3 rằng những vũ khí mà bà muốn có từ Washington sẽ "tăng cường đáng kể khả năng trên bộ và trên không của chúng tôi, tăng cường tinh thần quân đội và cho thế giới thấy cam kết của Mỹ đối với phòng thủ của Đài Loan".
Trong phản ứng đáp trả, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh “cực lực phản đối thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan và mối liên lạc quân sự giữa Mỹ và Đài Loan”.
Hợp đồng mua bán xe tăng có tổng trị giá lên tới 2 tỷ USD trong khi giá trị của 250 tên lửa đất- đối-không Stinger được ước tính vào khoảng 223 triệu USD.
Mẫu tên lửa đất-đối-không Stinger (Ảnh: Getty)
|
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc cho biết việc bán xe tăng phục vụ "lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Mỹ" bằng cách hỗ trợ Đài Loan "tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng thủ một cách đáng tin cậy". Cơ quan này cũng nói rằng, thương vụ Stinger sẽ giúp cải thiện khả năng phòng thủ và an ninh của Đài Loan – bên được cơ quan này gọi là “một lực lượng quan trọng đối với sự ổn định chính trị, cân bằng quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực”.
Theo Cơ quan trên, cả hai gói vũ khí trên sẽ “không làm ảnh hưởng cán cân quân sự cơ bản trong khu vực”.
Mỹ từ lâu đã là bên cung cấp vũ khí cho Đài Loan như một phần trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan được công bố cách đây 40 năm, trong khi Bắc Kinh luôn phản đối các thỏa thuận mua bán này.
“Dù chủ trương thống nhất hòa bình với Đài Loan, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng lực lượng quân sự, và tiếp tục phát triển và triển khai các khả năng quân sự cần thiết để thực hiện một chiến dịch quân sự" – báo cáo của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng cảnh báo hồi tháng 5 vừa qua.
Báo cáo trên cũng cảnh báo rằng các lợi thế quân sự truyền thống của Đài Loan trước Bắc Kinh (trong trường hợp xảy ra xung đột) đang dần suy yếu do các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
“Đài Loan trước đây có nhiều lợi thế trong bối cảnh xảy ra xung đột trên eo biển, như lợi thế về công nghệ và địa hình trên đảo. Nhưng nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung quốc đã làm suy yếu các lợi thế đó” – báo cáo nhận định.
Từ năm 2010, Mỹ đã tuyên bố về các thương vụ vũ khí trị giá lên tới 15 tỷ USD với Đài Loan. Mỹ hiện cũng đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Bắc Kinh. Hôm Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Trump nói trước báo giới rằng “chúng ta đang làm rất tốt trong vấn đề Trung Quốc” và rằng việc chính quyền của ông đánh thuế hàng hóa Trung Quốc đã giúp Mỹ có lợi thế trong các vòng đàm phán thương mại.