Defense - Blog dẫn thông báo của Bộ tư lệnh hậu cần kỹ thuật không quân cho biết, Trung tâm Vũ khí Hạt nhân Không quân, Cơ quan phát triển năng lực Không quân, Phòng mua sắm Vũ khí hạt nhân, Cơ quan quản lý Chương trình Tên lửa hành trình tầm xa (LRSO) quyết đinh trao hợp đồng cơ bản duy nhất cho Tập đoàn Boeing về Quốc phòng, Không gian và An ninh với nội dung thực hiện Tích hợp hệ thống vũ khí tên lửa hành trình tầm xa mang đầu đạn hạt nhân với B-52H và các nội dung hỗ trợ liên quan đến việc khai thác, sử dụng, bảo trì và bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống.
Hợp đồng tích hợp LRSO B-52 WS là một phần của chương trình mua sắm tên lửa hành trình (CM), toàn bộ kế hoach tổng thể được giao cho Cơ quan giám sát, điều hành chương trình không quân về các Hệ thống chiến lược (AFPEO/SS), có trụ sở tại Kirtland AFB, New Mexico.
Công nghệ tích hợp hai tên lửa LRSO, được thiết kế để trang bị cho B-52 đã hoàn thiện và giảm đến mức tối đa những rủi ro công nghệ (TMRR). Một tên lửa khác đang nằm trong giai đoạn hoàn thiện Kỹ thuật tên lửa và tổ chức dây chuyền sản xuất (EMD) thuộc chương trình LRSO.
Hợp đồng cung cấp sản phẩm bao gồm cả các nội dung hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần và kiểm tra giám sát các tên lửa hành trình tầm xa, đảm bảo tích hợp hoàn hảo tên lửa hành trình LRSO trên phương tiện mang theo chỉ định - máy bay ném bom chiến lược B-52.
Theo bản thông báo của Bộ tư lệnh hậu cần kỹ thuật lực lượng Không quân Mỹ: Thời gian hợp đồng phải thực hiện cơ bản sẽ là 5 năm, bàn giao sản phẩm trong vòng 12 tháng kể từ khi kết thúc thời hiệu của hợp đồng.
Theo hợp đồng này, Boeing cũng thực hiện sửa chữa và cung cấp các bộ phận phần cứng được sửa đổi để hoàn thiện tích hợp tên lửa hành trình LRSO, không có trong kho kỹ thuật của không quân trong quá trình tích hợp.
Boeing sẽ cung cấp tất cả các thiết bị hỗ trợ và kiểm tra, kiểm soát cần thiết, liên quan đến các bộ phận được thiết kế lại và thay đổi.
Hệ thống vũ khí LRSO bao gồm các tên lửa hành trình, giá treo, bệ phóng quay revolver, phần mềm điều khiển, hệ thống kết nối điện thân máy bay MIL Standard 1760 và giao diện điều khiển. Hợp đồng có giá trị ban đầu là 250 triệu USD dành cho Nghiên cứu, Phát triển thiết kế, Thử nghiệm và Đánh giá (RDT & E) tính cho giai đoạn năm tài chính (FY) 2019 đến (FY) 2023.
Boeing là nhà thiết kế, phát triển và sản xuất B-52 từ những năm 1950 và cũng là doanh nghiệp thực hiện các nâng cấp với dòng máy bay này. Đây là đơn vị công nghiệp quốc phòng duy nhất có kinh nghiệm, chuyên môn và phương tiện đặc chủng để thực hiện yêu cầu tích hợp hệ thống vũ khí LRSO với máy bay ném bom B-52.
Máy bay B-52 trên thực tế đã lỗi thời, tương tự như Tu-95MS của Nga, không thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong môi trường phát triển hệ thống phòng không hiện đại của đối phương. Chính vì vậy, người Nga đã nâng cấp hệ thống vũ khí, cho phép Tu-95 MS có khả năng phóng các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-101, Kh-102 để kéo dài thời gian phục vụ của máy bay.
Thực tế, nếu không được tích hợp tên lửa hành trình tầm xa LRSO, B-52 sẽ không còn là một trong các phương tiện răn đe hạt nhân khi không quân Mỹ loại biên tên lửa hành trình hạt nhân AGM-86. Không quân sẽ quyết định cho nghỉ hưu loại vũ khí này trước khi máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược tàng hình B-21 được biên chế vào lực lượng răn đe hạt nhân với số lượng đáng kể. Trong tình huống AGM-86 trở nên lỗi thời, B-52 có thể không còn là phương tiện mang răn đe hạt nhân vào cuối những năm 2020.
Vũ khí tấn công tầm xa (LRSO) là tên lửa hành trình phóng từ trên không mang đầu đạn hạt nhân (ALCM) được phát triển để thay thế AGM-86 ALCM . Ngày 24.08.2017, Raytheon và Lockheed Martin nhận được các hợp đồng có trị giá đến 900 triệu USD từ Lầu Năm Góc và lực lượng Không quân Mỹ, hiện đang phát triển các nguyên mẫu của từng công ty. Thời hiệu hợp đồng kết thúc vào năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ lựa chọn một thiết kế tiên tiến và hiệu quả nhất để tiếp tục phát triển.
Để thay thế AGM-86 ALCM, không quân Mỹ USAF lên kế hoạch giao các hợp đồng phát triển vũ khí độc lập tầm xa mới từ năm 2015. Theo kế hoạch này LRSO sẽ được trang bị trên nhiều máy bay khác nhau, bao gồm B- 52, và B-21 Northrop Grumman. Chương trình LRSO nhằm mục đích phát triển một loại vũ khí có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không đa tầng, đa vũ khí và tấn công chính xác những mục tiêu chiến lược dự kiến. Vũ khí theo kế hoạch sẽ đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu ban đầu (IOC) vào năm 2030.
Các tên lửa hành trình được phát triển sẽ mang tên chỉ định là YAGM-180A và YAGM-181A là nguyên mẫu cho chương trình Vũ khí tấn công tầm xa, tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân W80 mod 4, từ điểm phóng phải vượt qua không phận quốc tế và châu Âu, có tầm bắn trên các phạm vi 1.000, 2.000, 3.000 và 4.000km theo thực tế chiến trường.