Mỹ vừa giới thiệu chiến lược quân sự mới với châu Âu. Văn kiện này nêu lên 6 hướng ưu tiên chủ yếu trong 3-5 năm tới. Đứng ở vị trí thứ nhất, như các chuyên gia đã dự đoán, là nhiệm vụ ngăn chặn hành động xâm lược, gây hấn của Nga. Tiếp sau đó là nhiệm vụ phối hợp hành động giữa các thành viên NATO, duy trì các đối tác chiến lược của Mỹ, xác định và đáp trả các mối đe dọa xuyên quốc gia, bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, và tập trung vào các mục tiêu then chốt.
Chiến lược mới được cập nhật sẽ đóng vai trò kim chỉ nam cho NATO trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và giúp bảo đảm nguồn lực ở cấp quốc gia, "để đảm bảo sự thống nhất, tự do, hòa bình và phồn vinh ở châu Âu".
Theo quan điểm của Mỹ, châu Âu đang bị đe dọa từ phía Bắc, phía Đông và phía Nam. Mỹ cho rằng, Nga "đang gia tăng hành động hiếu chiến" ở Đông Âu, và Nga đang quân sự hóa vùng Bắc Cực. Đe dọa châu Âu từ phía Nam là từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Ngày 31/12/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia được cập nhật, theo văn kiện này NATO là một mối đe dọa cho Nga. Chiến lược mới cho rằng, Nga đã chứng tỏ khả năng của mình đảm bảo chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền lợi của đồng bào ở nước ngoài.
Rõ ràng là quan điểm này đã gây ra sự lo lắng của các nước châu Âu mà trong dân số có nhiều người nói tiếng Nga. Đầu tháng 1/2016, NATO đã bác bỏ "những yêu sách hoàn toàn vô căn cứ" của Nga, khối Bắc Đại Tây Dương và chính sách của khối NATO là một mối nguy cơ đe dọa an ninh Nga.
Trao đổi với báo Độc lập, chuyên gia Dmitry Danilov, trưởng phòng An ninh châu Âu, Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga cho biết, chiến lược của NATO được thực hiện theo chỉ thị của Mỹ. Các quan điểm đã được công bố trong tài liệu quân sự phản ánh tình hình thực tế. Ngoài ra, đây là cách đáp trả của Mỹ với chương trình hiện đại hóa quân đội Nga đang được thực hiện thành công.
Trong khi đó, ngày 2/2 tới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ giới thiệu dự thảo ngân sách quân sự cho năm 2017. Sau đó, Quốc hội phải phê duyệt văn kiện này, như một nguồn tin trong cơ quan quốc phòng nói với Reuters. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã ấn định mức chi tiêu quân sự cho năm 2017 là 576 tỷ USD, tức là cắt giảm 15 tỷ USD. Quyết định này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong hàng ngũ tướng lĩnh và đô đốc. Theo tạp chí Politico, ông Carter phải đối mặt với một "cuộc nổi loạn" của cấp dưới.
Đứng trước nhiệm vụ cắt giảm ngân sách quân sự, Hoa Kỳ cố gắng dồn một số chi phí cho các đối tác châu Âu. "Những lời lẽ về mối đe dọa từ phía Nga chính là tín hiệu để các đối tác châu Âu hiểu rằng họ phải nhận trách nhiệm gánh vác một phần đáng kể chi phí cho quân đội… Và Mỹ sẽ gia tăng áp lực lên châu Âu”, chuyên gia Dmitry Danilov cho biết. Liệu Mỹ có thể ép buộc các đồng minh châu Âu chi thêm tiền để tái trang bị quân đội dưới khẩu hiệu "giáng trả mối đe dọa từ phía Nga"? Vấn đề này vẫn còn để ngỏ.
Theo Sputnik