Mỹ muốn ngăn cản dự án chế tạo máy bay chở khách cỡ lớn của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã gửi thư tới Bộ Thương mại, yêu cầu đưa nhà sản xuất hàng không vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc vào danh sách "Người dùng cuối quân sự" (MEU).
Chiếc máy bay chở khách cỡ lớn C919 đầu tiên của Trung Quốc đã được bàn giao cho Hãng hàng không Đông Phương (Ảnh: Creaders).
Chiếc máy bay chở khách cỡ lớn C919 đầu tiên của Trung Quốc đã được bàn giao cho Hãng hàng không Đông Phương (Ảnh: Creaders).

Văn phòng của Thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida) ngày 24/4 đã đưa ra một tuyên bố nói ông Rubio cho rằng Trung Quốc là một thế lực thù địch và Mỹ cần phải hạn chế các hành vi đánh cắp của họ đối với tri thức và sở hữu trí tuệ của các hãng hàng không Mỹ. Điều này bao gồm việc bổ sung Tập đoàn Công ty sản xuất máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) vào danh sách người dùng cuối quân sự (Military End Users, MEU).

Ông Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rick Scott cũng của Florida, đã cùng gửi thư cho Thứ trưởng Bộ Thương mại Alan Estevez, người phụ trách vấn đề Công nghiệp và An ninh, bày tỏ lo ngại về việc không đưa Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc vào danh sách người dùng cuối quân sự và thúc giục vị Thứ trưởng này ngay lập tức giải quyết vấn đề.

Hai thượng nghị sĩ viết trong thư: "Sự kết hợp quân sự-dân sự (MCF) cho phép Trung Quốc có được những tri thức công nghệ chuyên môn thông qua cả các thủ đoạn hợp pháp và bất hợp pháp. Nó cho phép các thực thể 'dân sự' tham gia vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất các vũ khí quân sự nhạy cảm. Điều này có nghĩa là các công ty phương Tây tham gia nghiên cứu và thương mại chung có thể bị sử dụng để kiến tạo hoặc hỗ trợ các hệ thống có lợi cho quân đội Trung Quốc (PLA). Công ty sản xuất máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) là một doanh nghiệp quốc doanh hoàn toàn, có quan hệ mật thiết với chính quyền và các Công ty hàng không vũ trụ khác, gây nên một lỗ hổng phá hoại an ninh kinh tế và quốc gia của nước Mỹ."

Trong thư, hai thượng nghị sĩ bày tỏ lo ngại về việc Bộ Thương mại không liệt kê COMAC là người dùng cuối quân sự, nói rằng chiến lược "kết hợp quân sự-dân sự" của Trung Quốc nhằm đạt được điều này bằng cách duy trì khả năng tiếp cận công nghệ và chuyên môn tiên tiến với các mục tiêu hiện đại hóa quân đội của họ; chiến lược này cố tình làm mờ ranh giới giữa các doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân, trường đại học và chương trình nghiên cứu của Trung Quốc với các tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này.

Trung Quốc hy vọng máy bay C919 được sản xuất hàng loạt sẽ phá vỡ sự lũng đoạn thị trường hàng không quốc tế của Boeing và Airbus (Ảnh: Sina).

Trung Quốc hy vọng máy bay C919 được sản xuất hàng loạt sẽ phá vỡ sự lũng đoạn thị trường hàng không quốc tế của Boeing và Airbus (Ảnh: Sina).

Công ty sản xuất máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC), là một công ty được tách ra khỏi quân đội Trung Quốc, ban đầu được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) thành lập vào năm 2008 với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước độc lập. AVIC vẫn nắm giữ 12,35% cổ phần của công ty. Mặc dù có cổ phần chiếm thiểu số, AVIC vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với COMAC. COMAC cũng là công ty con của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Trung Quốc (State-owned Assets Supervision and Administration Commission of the State Council, SASAC).

Trong thư gửi Bộ Thương mại, hai Thượng nghị sĩ Rubio và Scott dẫn lời các chuyên gia hàng không cho rằng mối quan hệ chặt chẽ của COMAC với quân đội Trung Quốc là "bình thường", khiến việc Bộ Thương mại không muốn đưa nó vào danh sách thông thường trong danh sách người dùng cuối quân sự càng trở nên khó hiểu hơn.

Thư viết: “Với những thực tế này và việc Trung Quốc tiếp tục sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để có được công nghệ hàng không vũ trụ lưỡng dụng một cách có hệ thống, chúng tôi yêu cầu Cục Công nghiệp và An ninh bổ sung COMAC vào danh sách người dùng cuối quân sự.”

Hồi tháng 12/2022, Trung Quốc đã cho ra mắt và bàn giao chiếc C919, máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên được phát triển theo tiêu chuẩn đủ điều kiện bay quốc tế cho Hãng hàng không Đông Phương, Thượng Hải; theo dự kiến nó sẽ được đưa vào bay thương mại trong năm 2023. Trung Quốc hy vọng C919 được sản xuất hàng loạt sẽ giúp họ phá vỡ sự lũng đoạn thị trường của hai hãng Boeing và Airbus. Tuy nhiên, giống như những con chip có quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ hàng không của Trung Quốc, đặc biệt là động cơ, hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty phương Tây, khiến Mỹ trở thành sát thủ trong cuộc cạnh tranh với ngành hàng không của Trung Quốc.

Richard Aboulafia, Phó chủ tịch của Tập đoàn Teal và là nhà phân tích hàng không, từng nói: "Không có động cơ và hệ thống điện tử hàng không của phương Tây, Trung Quốc về cơ bản không thể làm được. Thách thức thực sự không phải là chế tạo máy bay; thách thức thực sự là động cơ và thiết bị điện tử hàng không, là cơ bắp và bộ não của máy bay. Việc chế tạo một ống nhôm làm đuôi máy bay với lá cờ được sơn không có ý nghĩa thực sự.”

Các chuyên gia Đài Loan chỉ ra rằng việc tách rời về công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc đã sắp xảy ra, nếu việc tách rời là có thật, toàn bộ kế hoạch phát triển ngành hàng không của Trung Quốc sẽ đi vào bế tắc. Những chiếc máy bay quân sự có thể miễn cưỡng sử dụng được, nhưng giá thành rất cao đến mức các hãng hàng không thương mại không thể mua được. Trung Quốc đã bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới, một người có kinh nghiệm trong hệ thống công nghiệp quân sự; đây là một chỉ dấu quan trọng, ngay từ đầu ông Lý Thường Phúc đã muốn làm loại máy bay C919 này.

Có ý kiến phân tích chỉ ra rằng động cơ máy bay là mắt xích yếu nhất trong ngành hàng không dân dụng của Trung Quốc; chỉ có ba công ty là General Electric, Hewlett-Packard ở Mỹ và Rolls-Royce ở Vương quốc Anh sản xuất động cơ phản lực thương mại. Tập đoàn Safran của Pháp cũng đóng vai trò là đối tác của General Electric; ngoài ra không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác.