Mỹ lắm đồng minh, do thám ngay trước cửa nhà khiến Trung Quốc ớn sợ

Tờ Liên hiệp buổi sáng Singapore đăng bài phân tích của phó giáo sư Trương Vân về ván cờ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh mạng lưới chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, nhận định Mỹ đang phát triển mạng lưới đồng minh đa phương để đối phó với sự lũng đoạn của Trung Quốc.
Quân đội Mỹ-Nhật liên tục tập trân chung thời gian gần đây
Quân đội Mỹ-Nhật liên tục tập trân chung thời gian gần đây

Trung Quốc ớn sợ

Ngày 28-5, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, khi phóng viên của tờ báo này đề cập việc sở dĩ Mỹ tăng cường hoạt động trinh thám với tần suất cao ở Tây Thái Bình Dương là do muốn bảo vệ đồng minh của Mỹ tại khu vực này. Ông Thôi Thiên Khải trả lời rằng, theo cách giải thích này thì “có nghĩa rằng, xét về bản chất, mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh này là coi việc chống lại Trung Quốc là mục đích chính. Nếu những đồng minh quân sự này tập trung bảo vệ an ninh khu vực và triển khai hợp tác với mọi quốc gia trong khu vực thì họ không nên làm những công việc này. Cách giải thích duy nhất là những đồng minh quân sự này coi Trung Quốc là đối thủ, thậm chí là kẻ thù. Đây là điều nguy hiểm nhất”.

Tính đến thời điểm hiện tại, có lẽ đây là lần đầu tiên đại diện cao cấp nhất của quan chức Trung Quốc đưa ra lời đánh giá tiêu cực về mạng lưới đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Dĩ nhiên, sau đó ông Thôi Thiên Khải cũng bổ sung thêm rằng, điều quan trọng là hành động của Mỹ không nên để người Trung Quốc tin rằng, những mối quan hệ đồng minh này là nhằm vào Trung Quốc, nhưng điều này đủ để chứng minh nhận thức của Trung Quốc đối với mạng lưới đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có những thay đổi quan trọng.

Đường băng sân bay Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Đường băng sân bay Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã từng đưa ra ý tưởng thông qua vị thế của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gồm 5 nước lớn là “Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Trung Quốc” để đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn hòa bình thế giới trên cương vị cảnh sát quốc tế, tuy nhiên, Chiến tranh lạnh bùng nổ khiến Liên hợp quốc gần như tồn tại hữu danh vô thực. Châu Âu là chiến trường đầu tiên trong Chiến tranh lạnh, đầu tiên Mỹ thông qua Kế hoạch Marshall, giúp đỡ các nước Tây Âu về mặt kinh tế, khích lệ tiến trình nhất thể hóa Tây Âu về mặt chính trị, về mặt quân sự thì thiết lập khối quân đội đồng minh đa phương NATO để đối phó với Liên Xô.

Tại châu Á, do sự ảnh hưởng của Mỹ luôn dừng lại ở quốc đảo hoặc bán đảo Tây Thái Bình Dương, cộng với những vấn đề lịch sử giữa các quốc gia trong khu vực này khá nhiều, và sau một vài lần thất bại trong việc xây dựng tổ chức đa phương trong khu vực nhằm mục đích chống lại chủ nghĩa cộng sản (như Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á SEATO), cuối cùng Mỹ đã lựa chọn con đường thiết lập vị thế lãnh đạo tại châu Á – Thái Bình Dương dựa trên nền tảng hàng loạt đồng minh song phương.

Thập kỷ 1950, mạng lưới đồng minh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ bắt đầu được thiết lập, đến đầu những năm 1960 thì hoàn thành, đồng minh của Mỹ tại thời điểm đó bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine, Đài Loan, Thái Lan, Australia và New Zealand, cần phải thừa nhận một cách khách quan rằng mạng lưới đồng minh song phương này đã phát huy vai trò lịch sử tích cực nhất định. Trước hết, trong Chiến tranh lạnh, mạng lưới này đã duy trì trật tự quốc tế cơ bản cho khu vực Đông Á, tạo cơ hội bảo đảm an ninh và kinh tế cho các quốc gia này.

Nhóm tàu tác chiến sân bay Mỹ luôn thường trực tại châu Á-Thái Bình Dương sẵn sàng đối phó với các thách thức an ninh
Nhóm tàu tác chiến sân bay Mỹ luôn thường trực tại châu Á-Thái Bình Dương sẵn sàng đối phó với các thách thức an ninh

Do trở thành đồng minh của Mỹ, các nước này không cần phải lo lắng quá nhiều về vấn đề an ninh quốc gia, và thị trường khổng lồ của Mỹ đã tạo điều kiện cho các quốc gia và khu vực này phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu. Trong Chiến tranh lạnh, kinh tế của các nước đồng minh này phát triển mạnh mẽ, điều này có mối liên hệ rất lớn tới mạng lưới đồng minh của Mỹ. Thứ hai, mạng lưới đồng minh này kiềm c hế một số nước đồng minh có thể xuất hiện “hành vi liều lĩnh” khiến cục diện khu vực rơi vào trạng thái mất kiểm soát.

Năm 1964, sau khi Trung Quốc nổ thử nghiệm bom nguyên tử thành công, sở dĩ Nhật Bản và Đài Loan không phát triển vũ khí hạt nhân là do có mối liên hệ lớn với vai trò kiểm soát đồng minh của Mỹ. Trong chuyến thăm Bắc Kinh, một lý do mà ngoại trưởng Mỹ Henry Alfred Kissinger khuyên phía Trung Quốc chấp nhận đồng minh Nhật Mỹ là có thể kiểm soát Nhật Bản, ít nhất thủ tướng Trung Quốc lúc đó là ông Chu Ân lai đã không phủ định điều này, đây chính là một sự mặc nhận đối với vai trò đồng minh của Mỹ.

Lo sợ nên dè bỉu

Năm 1972, sau khi mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc được phá băng, Mỹ và Trung Quốc trở thành “chuẩn đồng minh”, sau đó ý tưởng của Mỹ là muốn dần dần đưa Trung Quốc vào mạng lưới này. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, Mỹ và Đài Loan chấm dứt mối quan hệ đồng minh, nhưng hai bên lại thông qua “Đạo luật quan hệ Đài Loan” để tiếp tục duy trì mối quan hệ “đồng minh ngầm”. Thập kỷ 1980 là giai đoạn mối quan hệ về kinh tế, quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở thời kỳ “trăng mật”, tuy nhiên Chiến tranh lạnh kết thúc nhanh chóng ngoài dự đoán đã khiến kế hoạch của Mỹ bị phá sản.

Mạng lưới đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ không những không kịp thời đưa Trung Quốc vào, mà còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp sau Chiến tranh lạnh. Sự giải thể của Liên Xô khiến cục diện an ninh trong khu vực dịu đi rất nhiều, tại sao quân đội Mỹ vẫn cần ở lại châu Á? Câu hỏi này kết hợp với chủ nghĩa dân tộc trong nội bộ một số nước đồng minh, khiến đầu năm 1990, Philippines đã chấm dứt hoạt động đồn trú của quân đội Mỹ tại căn cứ quân sự vịnh Subic, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật cũng trải qua một giai đoạn bấp bênh như thế.

Mạng lưới đồng minh song phương tại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ tan rã đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ mất đi mảnh đất để thể hiện năng lực lãnh đạo tại khu vực này, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan đã tiếp tục cung cấp cho Mỹ cơ hội rất tốt để duy trì mạng lưới này.

Năm 1997, Mỹ và Nhật Bản sửa đổi lại phương châm hợp tác an ninh, đưa ra khái niệm “tình thế xung quanh”, Trung Quốc hết sức cảnh giác với vấn đề này và đặt câu hỏi liệu mạng lưới đồng minh của Mỹ có mở ra cánh cửa ngăn cản sự thống nhất lãnh thổ của Trung Quốc (vấn đề Đài Loan) hay không, thái độ của Trung Quốc đối với mạng lưới đồng minh của Mỹ cũng bắt đầu thay đổi từ đây. Sau Chiến tranh lạnh, mạng lưới đồng minh này cũng bắt đầu xuất hiện nhiều điểm bất cập, thái độ của Trung Quốc cũng từ mặc nhận chuyển sang nghi ngờ, và cuối cùng là phản đối gay gắt.

Trước hết, Trung Quốc cho rằng tính chất của mạng lưới đồng minh này là mang tính chất đe dọa, sau Chiến tranh lạnh, vấn đề này đã mất đi ý nghĩa, đây cũng là nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao mạng lưới này không được kết nạp thêm các thành viên mới. Cho dù là NATO hay mạng lưới đồng minh quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương, mục đích ra đời đều là chống lại Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng sau Chiến tranh lạnh, ít nhất mối đe dọa chung bên ngoài tại châu Á là không tồn tại, điều này đã hạn chế sự phát triển về chiều sâu của mạng lưới này.

Ví dụ đối với Hàn Quốc, mối đe dọa bên ngoài là Triều Tiên, nhưng đối với Philippine, mối đe dọa hạt nhân cả Triều Tiên gần như không tồn tại. Nhật Bản có thể cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa, nhưng với Hàn Quốc hoặc Thái Lan thì Trung Quốc chỉ là đối tác thương mại chứ không phải là mối đe dọa. Vài năm gần đây, những tranh chấp trên biển và chính sách tái cân bằng của Mỹ khiến Trung Quốc ngày càng nghi ngờ ý đồ Mỹ đang xúi giục đồng minh, hình thành nên nhận thức chung coi Trung Quốc là kẻ thù chung bên ngoài để duy trì sức gắn kết.

Thứ hai, như trên đã trình bày, đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ chủ yếu ở trên biển, độ ảnh hưởng của Mỹ lại lục địa Đông Á vẫn khá hạn hẹp. Hay nói cách khác, mạng lưới này có thể đảm bảo an ninh cho các nước đồng minh này, nhưng sau Chiến tranh lạnh, mối đe dọa về an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn rất nhiều, trong khi mạng lưới song phương của Mỹ lại làm được khá ít, điều này cũng chính là lý do tại sao vài năm trở lại đây, Mỹ mong muốn xây dựng nhiều khung ba bên giữa các đồng minh Đông Á lấy Mỹ làm trung tâm như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Australia…

Nhật Bản đã hạ thủy hai tàu sân bay trực thăng tối tân và dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục vào năm niên khóa tới
Nhật Bản đã hạ thủy hai tàu sân bay trực thăng tối tân và dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục vào năm niên khóa tới

Có thể khung ba bên này sẽ bù đắp được những khiếm khuyết của mối quan hệ đồng minh song phương đơn thuần trước đây. Rất có thể mối quan hệ đồng minh đa phương này sẽ trở thành sức ép lớn hơn đối với Trung Quốc.

Nguy cơ xung đột rất lớn

Đối với Trung Quốc, dường như Mỹ ngày càng giống vị bá chủ thích gây chuyện thi phi, lôi kéo đồng minh đối đầu với Trung Quốc chứ không còn là một “leader” thiện ý quản được các nước đồng minh “bồng bột” nữa. Hiện nay, nhận thức của hai bên đang phát triển theo hướng xấu đi, tại châu Á – Thái Bình Dương, cả hai bên đều định nghĩa lợi ích chiến lược là không muốn bất kỳ bên nào trở thành quốc gia mang tính chi phối.

Trung Quốc thì cho rằng đã không còn thể chấp nhận việc mấy chục năm nay bị Mỹ do thám ngay trước cửa nhà với cường độ cao, cộng với việc Mỹ có thể can thiệp vào vấn đề Đài Loan bất cứ lúc nào, còn Mỹ thì cho rằng dường như sự tự do cao độ mà mình được hưởng mấy chục năm qua ở khu vực này đang vấp phải mối đe dọa và hạn chế.

Nếu Trung Quốc ngày càng cho rằng mạng lưới đồng minh của Mỹ là câu lạc bộ chống lại Trung Quốc, còn Mỹ thì cho rằng hành vi của Trung Quốc như xây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (ABII), dự án “Một vành đai, một con đường” - tức “vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới” và “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI” đều nhằm mục đích thổi bay mạng lưới này thì khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là rất lớn.

Huy Long (theo QPAN)