Hai dự luật thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hong Kong. Cụ thể, một dự luật quy định: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ phải xác nhận ít nhất một lần mỗi năm rằng Hong Kong vẫn duy trì được mức độ tự trị đủ để được hưởng quy chế thương mại đặc biệt mà Mỹ trao cho đặc khu này.
Dự luật thứ hai là cấm bán cho cảnh sát Hong Kong các loại vũ khí giúp kiểm soát đám đông, như hơi cay, đạn cao su và dùi cui điện.
Đối với Hong Kong vốn đang là một đặc khu hành chính của Trung Quốc được quản lý theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Theo đó, Hong Kong được trao quyền tự quản về pháp lý, kinh tế cũng tách biệt với Trung Quốc. Với chế độ quản lý hiện tại, Hong Kong đã trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, và cũng là cầu nối giữa Trung Quốc và các nước khác. Đó cũng là lý do, dù Mỹ áp thuế quan mạnh lên hàng hóa Trung Quốc cũng không làm điều tương tự với Hong Kong.
Dự luật của ông Trump cho thấy nếu Mỹ cảm thấy Hong Kong không đủ tự trị, sẽ cắt đứt sự “đỗi đãi” đặc biệt này với Hong Kong, dẫn đến việc đặc khu bị ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế cũng như các mối quan hệ thương mại. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích cho rằng mọi chuyện sẽ không đi xa đến thế.
Mỹ hưởng lợi thặng dư thương mại với Hong Kong
Một lý do chính được đưa là mối quan hệ chặt chẽ về thương mại và tài chính giữa Hong Kong và Washington. Hiện tại, có hơn 1.300 công ty Mỹ hoạt động tại Hong Kong. Trong số đó là 300 công ty chọn Hong Kong là nơi đặt trụ sở cho khu vực hoạt động châu Á.
Hong Kong cũng là điểm đến cho các dịch vụ về kế toán, kiểm toán của Mỹ. Năm ngoái, thặng dư thương mại lớn nhất của Mỹ là với Hong Kong, cụ thể là 31,1 tỷ USD.
Hong Kong cũng là một địa điểm tương đối an toàn để Mỹ tiếp cận Trung Quốc, nắm bắt những cơ hội kinh doanh lớn nhưng vẫn chưa được triển khai với nền kinh tế thứ hai thế giới.
Rõ ràng, dù nói Mỹ có sự “đỗi đãi” đặc biệt với Hong Kong, Mỹ cũng đang hưởng lợi về thương mại và tài chính từ khu vực này.
Vai trò của Hong Kong với nền kinh tế Trung Quốc
Đóng góp tăng trưởng kinh tế của Hong Kong vào Trung Quốc đã giảm dần trong những năm qua. Tuy nhiên, đặc khu vẫn là một trung tâm tài chính quan trọng với các doanh nghiệp ở đại lục.
Những năm gần đây, Hong Kong đã trở thành cửa ngõ, nơi liên kết các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tài chính vào Trung Quốc. Trên thực tế, các công ty từ đại lục đã gọi vốn không ít thông qua hoạt động niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong và phát hành trái phiếu.
Ngân hàng đầu tư Pháp Natixis trong một báo cáo hồi tháng 8 đã mô tả Hong Kong như một cánh tay tài chính kết nối Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Giúp cho việc đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp đại lục không bị ảnh hưởng bởi thương chiến.
Thương chiến sẽ chưa kết thúc
Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa phát ra những tín hiệu tốt đẹp chưa bao lâu thì lại một lần nữa đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Trong ngày ký kết dự luật vừa qua ông Trump phát ra tuyên bố rằng: “Tôi ký dự luật này với sự tôn trọng dành cho Chủ tịch Tập, Trung Quốc và cả người dân Hồng Kong. Dự luật sẽ trở thành luật với mong muốn các nhà lãnh đạo hai bên giải quyết một cách êm đẹp những vấn đề đang tồn tại.”
Tức giận trước động thái của Tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/11 đưa ra những lời đe dọa đến Mỹ nếu tiếp tục ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong: “Nếu Mỹ nhất định đi theo con đường sai trái, Trung Quốc sẽ phải sử dụng các biện pháp đáp trả mạnh mẽ".
Có thể nói, việc Mỹ ký hai dự luật kể trên sẽ tiếp tục tạo nên những căng thẳng cho mối quan hệ hai nước. Hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã phải chịu những thiệt hại về kinh tế vì những diễn biến từ chiến tranh thương mại./.