Ông Mattis nhấn mạnh cho dù như thế nào, Mỹ vẫn sẽ can dự vào châu Á, 60% lực lượng hải quân Mỹ vẫn sẽ tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương. Cần nhớ, việc bố trí tới 60% lực lượng hải quân ở khu vực này là một phần trong chính sách "tái cân bằng" và xoay trục sang châu Á từng được tổng thống Barack Obama tuyên bố.
Chính quyền tổng thống Donald Trump đã nhiều lần mập mờ về khả năng chấm dứt chính sách trên khiến các đồng minh và đối tác trong khu vực lo ngại. "Nước Mỹ vẫn sẽ ở đây, tôi chắc chắn với quý vị như vậy. Cho dù Tổng thống Trump có nói gì hay làm gì đi chăng nữa", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang có dấu hiệu xa rời các vấn đề quốc tế như hiện nay, tuyên bố của ông Mattis tại đối thoại an ninh Shangri-La lần này được xem sự một sự trấn an đối với các quốc gia đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương về các cam kết an ninh của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố: "Mỹ không chấp nhận quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những nỗ lực đơn phương, cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng của khu vực".
Ông Mattis khẳng định Mỹ vẫn muốn bắt tay hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, bởi đó là một vấn đề lớn của thế giới. Song, điều đó không có nghĩa Washington sẽ làm ngơ để Bắc Kinh triển khai vũ khí và xây dựng các công trình quân sự khác trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Ông Mattis tiếp tục kêu gọi các quốc gia cần thượng tôn luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự khu vực dựa trên quy tắc và đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế The Hague về Biển Đông hồi năm ngoái. Theo ông Mattis, các bên liên quan trong tranh chấp Biển Đông nên xem phán quyết này là xuất phát điểm trong việc quản lý tranh chấp và hướng tới một giải pháp hòa bình.