Hải quân Trung Quốc sắp vượt Mỹ, “đã trỗi dậy“ chứ không phải "đang trỗi dậy"

VietTimes -- Từ biển Hoa Đông đến Sừng châu Phi, sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu chiến Trung Quốc đang tạo ra các vấn đề của thế giới. Mỹ và đồng minh phải chuẩn bị cho một Trung Quốc "đã trỗi dậy".
Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Cnqiang
Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Cnqiang

Bloomberg (Mỹ) ngày 1/6 mô tả về sự phát triển của Hải quân Trung Quốc có đặc điểm là “những tàu chiến nối đuôi nhau, những cảng biển kế tiếp nhau”. Theo bài viết, trong 20 năm qua, một trong những động lực không thể thiếu để Trung Quốc xây dựng lực lượng toàn cầu là một lực lượng hải quân hiện đại có thể bảo vệ lợi ích quốc gia ở những khu vực cách xa lãnh thổ.

Cuối tuần này, khi quan chức các nước như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tuần này, “hải quân tầm xa” của Trung Quốc và việc ứng phó với nó như thế nào sẽ trở thành chủ đề xem xét của họ.

Từ biển Hoa Đông đến Sừng châu Phi, sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu chiến Trung Quốc đang tạo ra các vấn đề của thế giới, xu thế này sẽ tăng tốc.

Patrick Cronin, giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng: "Đến năm 2030, sự hiện diện toàn cầu của Hải quân Trung Quốc sẽ là một sự thực cơ bản, quan trọng và có ảnh hưởng của chính trị quốc tế". Mỹ và đồng minh "cần bắt đầu làm tốt chuẩn bị cho một nước Trung Quốc 'đã trỗi dậy', chứ không phải là một nước Trung Quốc 'đang trỗi dậy'".

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Nhìn vào tiêu chuẩn nhất định, Trung Quốc đã đuổi kịp Mỹ - nước lớn về biển chiếm vị thế chủ đạo ở châu Á sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Căn cứ vào số liệu của Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS), năm 2016 Trung Quốc sở hữu 183 tàu hộ vệ, tàu khu trục, tàu chiến mặt nước cỡ nhỏ và tàu ngầm, trong khi Mỹ sở hữu 188 chiếc.

Một báo cáo trong tháng 3/2017 của Trung tâm an ninh Mỹ mới dự đoán, khi kết thúc thập niên tới, Hải quân Trung Quốc sẽ triển khai nhiều tàu chiến như vậy hơn, dự tính sẽ vượt Mỹ. Sự tăng trưởng này sẽ thúc đẩy Mỹ ra sức phát triển ngành đóng tàu.

Tại Singapore gần đây, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho rằng Mỹ cần chế tạo nhiều tàu chiến hơn, hơn nữa phải nhanh. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tăng số lượng hạm đội Mỹ với 25% trở lên, nhưng khoản ngân sách đầu tiên do ông công bố vào tuần trước chỉ có tiền dành cho 2 tàu tuần duyên cỡ nhỏ.

Điều có thể khẳng định là lực lượng hiện diện quân sự trên các đại dương của thế giới thường là tàu sân bay. Triển khai cụm chiến đấu tàu sân bay ở các khu vực trên thế giới cần có mạng lưới căn cứ ở nước ngoài.

Biên đội tàu chiến Trung Quốc tiến hành hộ tống ở vịnh Aden.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc tiến hành hộ tống ở vịnh Aden.

Trung Quốc vẫn đang tiến hành chuẩn bị cho khả năng điều động lực lượng tới Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hai đại dương này đang mang theo những lợi ích kinh tế ngày càng tăng lên của Trung Quốc tại các nước châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.

Tháng 4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc hạ thủy. Trung Quốc cũng đã phát triển một cơ sở bảo đảm hậu cần hải quân đầu tiên ở Djibouti, một quốc gia ở Đông Phi. Pháp và Mỹ cũng có cơ sở quân sự ở Djibouti.

Hiện nay, rất nhiều sĩ quan cao cấp, Bộ trưởng và nhà thầu quốc phòng tập trung tại khách sạn Shangri-La, Singapore tham dự hội nghị an ninh quốc tế. Làm thế nào để ứng phó với lực lượng hải quân Trung Quốc không ngừng mạnh lên đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.