Theo Reuters, Mỹ đang nỗ lực hối thúc các nước đồng minh thống nhất một chính sách an ninh chung tại hội nghị tổ chức ở Prague (Cộng hòa Séc) vào tháng 5 tới đây. Động thái này được cho là sẽ gây thêm khó khăn cho các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc, đặc biệt là Huawei.
Mỹ đang kêu gọi đồng minh không mua thiết bị 5G của Huawei. Với ưu điểm về tốc độ và tính ổn định, mạng 5G đang được chính phủ nhiều quốc gia coi là nền tảng quan trọng để phát triển thành phố thông minh, xe tự hành, ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường v.v. Tuy nhiên, nếu công nghệ cơ bản sử dụng trong cơ sở hạ tầng không an toàn thì mạng 5G sẽ dễ tổn thương trước các cuộc tấn công của tin tặc.
Vài tháng gần đây, Mỹ đã liên tiếp cảnh báo chính phủ các quốc gia đồng minh về cửa hậu (back-door) trên thiết bị Huawei có thể được Trung Quốc khai thác nhằm mục đích gián điệp. Ngược lại, Huawei đã nhiều lần phủ nhận và khởi kiện chính phủ Mỹ vì cáo buộc thiếu căn cứ.
Reuters trích dẫn lời Giám đốc cơ quan an ninh mạng Cộng hòa Séc (NUKIB), ông Robert Kahofer cho biết quan chức từ hơn 30 quốc gia sẽ tham dự hội nghị tại Prague từ ngày 2 - 3/5 để thống nhất các nguyên tắc bảo mật cho thế hệ mạng viễn thông thế hệ thứ 5.
Hãng tin Reuters nhận định rằng hội nghị cấp cao ở Prague cho thấy chiến lược mới của Mỹ để thúc giục các đồng minh tẩy chay Huawei hay bất kỳ nhà cung cấp 5G bị Washington cho là tiềm ẩn rủi ro an ninh. Cách tiếp cận này được mô tả là “mềm mỏng hơn” so với cảnh báo trước đây.
Tài liệu cho thấy các quan chức Mỹ kỳ vọng hội nghị ở Prague sắp tới sẽ cung cấp đủ thông tin cần thiết để các nước đồng minh ban hành lệnh cấm đối với các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc, bao gồm Huawei.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật cấm các cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị Huawei và ZTE vào tháng 8/2018.
Một quan chức giấu tên chia sẻ với Reuters rằng mục tiêu của hội nghị lần này là đi tới bộ quy tắc chung để đảm bảo an ninh cho mạng 5G.
Giám đốc NUKIB Robert Kahofer cho biết hội nghị Prague được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Séc kết hợp cùng cơ quan an ninh mạng NUKIB.
Dự kiến, hội nghị có sự tham gia của tất cả 28 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), Ủy ban Châu Âu (EC), NATO và 8 nước khác (bao gồm Mỹ và Australia).
Ông Kahofer thông báo cả Nga và Trung Quốc đều không được mời tới hội nghị Prague. Đồng thời, ông bác bỏ ý kiến cho rằng đây là một sự kiện nhằm chống lại Trung Quốc hay Huawei.
Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi là những thị trường quan trọng của Huawei. Ảnh: Bloomberg.
|
Châu Âu luôn là một trong các thị trường quan trọng nhất của Huawei, và đang trở thành chiến trường quan trọng của các nhà cung cấp thiết bị 5G.
Mặc dù Mỹ liên tục khuyến cáo đồng minh quay lưng với thiết bị Huawei nhưng nhiều nước Châu Âu vẫn chưa thể đưa ra quyết định, do lo ngại ảnh hưởng tới mối quan hệ với Bắc Kinh.
Hơn nữa, các nhà mạng khắp Châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo quyết định cấm nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới như Huawei có thể làm trì hoãn quá trình triển khai mạng 5G thương mại và gia tăng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hiện tại, Đức đang lên kế hoạch ban hành một bộ tiêu chuẩn bảo mật chặt chẽ cho tất cả các nhà mạng, qua đó sẽ hạn chế việc sử dụng thiết bị kém an toàn cho mạng 5G.
Tuần trước, môt quan chức an ninh mạng của Mỹ cho biết Washington muốn các chính phủ Châu Âu áp dụng “khung bảo mật dựa trên rủi ro”.
Người phát ngôn của Hội đồng Bảo an Quốc gia Nhà Trắng Garrett Marquis nói: “Mỹ hoan nghênh sự tham gia của các đối tác và đồng minh để thảo luận về những cách mà chúng ta có thể hợp tác để đảm bảo rằng mạng 5G đáng tin cậy và an toàn”.
Tháng trước, cơ quan an ninh mạng của Anh đã phát hiện lỗ hổng bảo mật mới trong thiết bị Huawei, nhưng không phát hiện bằng chứng cho sự can thiệp của Trung Quốc.
Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố các quốc gia EU sẽ chia sẻ dữ liệu về rủi ro an ninh mạng 5G và đưa ra biện pháp giải quyết chúng vào cuối năm 2019.
Theo Reuters