Tác động từ những cú lao dốc của giá dầu trên thị trường quốc tế thường được phân tích từ góc độ kinh tế. Những gì diễn ra tại Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, tác động về kinh tế không phải là những nguy cơ duy nhất mà giá dầu chạm đáy đang đặt ra cho Việt Nam. Giá dầu thấp thậm chí còn có những tác động vô hình về mặt địa chính trị, trong đó có vị thế của Việt Nam trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Mối quan ngại hàng đầu về địa chính trị đối với Việt Nam hiện nay là tranh chấp ở Biển Đông và các hành động của Trung Quốc. Nằm sát Trung Quốc- một cường quốc xét về cả diện tích lãnh thổ và tầm ảnh hưởng trên thế giới - Việt Nam trên thực tế khó có thể tự mình đương đầu với người láng giềng khổng lồ này. ASEAN lại có nhiều mâu thuẫn và chia rẽ, nhất là về các lợi ích quốc gia, đến mức khó có thể thống nhất thành một mặt trận chống lại Trung Quốc. Không chỉ vậy, cả Mỹ và Nga đều không đủ thân thiết với Việt Nam để giúp Hà Nội đối đầu với người láng giềng phía Bắc.
Thời XHCN đã qua từ lâu, Nga hiện nay đang rất coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ lại tỏ ra chần chừ trong việc có những hành động cương quyết để hạn chế sức ảnh hưởng ngày một gia tăng của "con rồng châu Á". Trong bối cảnh trật tự khu vực và thế giới hiện nay, lựa chọn thực tế duy nhất của Việt Nam có lẽ là tự lực cánh sinh và tận dụng thế cân bằng đa cực trên trường quốc tế.
Lợi thế từ sự cân bằng này chỉ xuất hiện nếu Nga mạnh hơn, Trung Quốc yếu thế và Mỹ bớt thù địch với Nga. Những yếu tố này có thể giúp Việt Nam có được vị thế tốt hơn trong các cuộc đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, điều không may là giá dầu thấp đang đẩy thế cân bằng này đi theo một hướng khác, gây khó khăn cho Việt Nam. Điều chúng ta đang chứng kiến hiện nay là một nước Nga yếu kém, một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và một nước Mỹ đối đầu với Nga.
Trước hết, giá dầu lao dốc không chỉ ảnh hưởng đến vị thế của Nga trong các vấn đề quốc tế mà còn khiến Nga phải phụ thuộc vào nguồn tài chính từ Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng việc làm suy yếu Nga bằng giá dầu là có chủ ý, và đây là bước đi chiến lược của Mỹ nhằm tiếp tục hủy hoại Nga sau khi quốc gia này hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt để trả đũa việc Nga sáp nhập Crimea. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà lịch sử lặp lại. Năm 1983, sản lượng dầu dư thừa quá mức đã khiến giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm dáng kể, từ mức 35 USD/thùng trong năm 1980, tới năm 1986 giá dầu chỉ còn 14 USD/thùng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới cú sốc này là do cựu Tổng thống Mỹ Reagan đã cho phép thị trường tự do quyết định giá dầu và tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ tại Mỹ.
Tương tự, năm 2014, khi Mỹ và Nga mâu thuẫn trong vấn đề Crimea, Washington cũng đã nhắc đến khả năng tăng sản lượng. Kể từ đó, giá dầu đã lao dốc từ 100 USD/thùng xuống chỉ còn 30 USD/thùng. Giá dầu sụt giảm đẩy nền kinh tế Nga tới chỗ bế tắc. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Nga trong năm 2015 đã giảm 3,7% và dự kiến còn giảm thêm 1% nữa trong năm nay. Căng thẳng về kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới ảnh hưởng về mặt chính trị của Moskva, đồng thời “giúp” Trung Quốc gia tăng ưu thế trong mối quan hệ Nga-Trung. Mong muốn tìm kiếm các khách hàng mới, Nga đã vội vã thúc đẩy việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” với Trung Quốc vào năm 2014. Thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD này thực tế đã giúp Nga có thêm thị trường xuất khẩu năng lượng, thay thế các thị trường truyền thống đang chịu nhiều sức ép.
Những rắc rối nảy sinh xung quanh vấn đề Crimea và bất ổn về kinh tế khiến Nga khó có thể có một thái độ cương quyết đối với các tranh cãi ở Biển Đông. Nga đang ở tình thế khác với thời Liên Xô khi Moscow đã dành những ủng hộ mạnh mẽ cho các nước láng giềng của Trung Quốc, chẳng hạn như đưa cố vấn quân sự tới Việt Nam trong chiến tranh Trung-Việt, hay đưa quân đồn trú tại vùng biên giới chung với Trung Quốc và biên giới Mông Cổ-Trung Quốc. Chính sách của Nga với các tranh cãi trên Biển Đông hiện nay có thể coi là “vô hình”. Một nước Nga yếu và bị lệ thuộc, hệ quả của giá dầu lao dốc, rõ ràng không hề có lợi cho Việt Nam trong các tranh chấp trên biển.
Hơn thế nữa, giá dầu sụt giảm còn giúp Trung Quốc có uy thế hơn trong thị trường giá cả khu vực. Trung Quốc hiện là nước mua khí đốt lớn thứ 3 thế giới và mua dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới. Giá dầu thấp giúp giảm chi phí sản xuất và giúp Trung Quốc tiết kiệm được tiền để giải quyết các khó khăn về kinh tế. Sản lượng thặng dư khiến giá dầu giảm sẽ càng có lợi cho Trung Quốc với tư cách là một nhà sản xuất và tiêu thụ toàn cầu. Trung Quốc là nước đang được hưởng lợi từ giá dầu sụt giảm và điều này không hề có lợi cho các lợi ích địa chính trị của Việt Nam trong tranh chấp ở Biển Đông.
Mặc khác, Mỹ lại đang bận tìm kiếm quyền lực theo cách riêng ở châu Á- Thái Bình Dương. Mỹ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước ASEAN để giúp họ tăng cường năng lực phòng vệ biển, tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không - chiến dịch được các nước khu vực hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, xét trên góc độ lợi ích về địa chính trị đối với Việt Nam, những gì Mỹ làm không thực sự có hiệu quả. Việt Nam có những mối liên hệ ràng buộc với Nga và Trung Quốc, quốc gia cũng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tuy tuyên bố ủng hộ Việt Nam song Philippines mới là đối tác chiến lược của Mỹ. Sự vắng mặt của Nga trong các tranh chấp ở Biển Đông, phù hợp với nguyện vọng của Mỹ trong việc đẩy lùi tầm ảnh hưởng mà Nga xây dựng từ thời Xô Viết song lại đi ngược với lợi ích địa chính trị của Việt Nam.
Xét cho cùng, giá dầu lao dốc không đơn giản chỉ tác động về mặt kinh tế đối với Việt Nam. Dĩ nhiên, một nước Nga hùng mạnh chưa chắc đã khiến Trung Quốc chùn bước hay hạn chế các hoạt động của Mỹ liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, song một nước Nga có nhiều ảnh hưởng chắc chắn sẽ duy trì được tốt hơn điều mà Henry Kissinger gọi là “thế cân bằng toàn cầu” với “sự hòa hợp lớn hơn về giá trị”. Rõ ràng, giá dầu giảm mạnh đã, đang, và sẽ có những tác động tiêu cực đối với lợi ích địa chính trị của Việt Nam trong các tranh chấp ngày càng nóng tại Biển Đông.